Hướng dẫn: Trong bài Cây tre Việt Nam, để tô đậm chất thơ, chất trữ tình, tác giả đã sử dụng nhiều biện pháp tu từ. Biện pháp tu từ nhân hóa và điệp từ, điệp ngữ khá nổi bật.
- Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng gần như toàn bài, thể hiện rõ ở đoạn: "Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ người, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu!". Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa chủ yếu nhằm biểu đạt sự thân thiết, tre với người như một; tre là người và người như tre, cũng chung những hành động và phẩm chất cao đẹp như nhau;...
- Biện pháp tu từ điệp đã được sử dụng trong đoạn này: "Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc đồng quê. Nhớ buổi nào, nồm man cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê. Diều bay, diều lá tre bay lưng trời... Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời...". Trong đoạn văn trên, biện pháp tu từ điệp ngữ (Nhạc của trúc, nhạc của tre...), điệp cấu trúc (Diều bay, diều lá tre bay lưng trời..., Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời...) đã tạo nên nhịp điệu bay bổng, lên xuống uyển chuyển, mềm mại không chỉ âm thanh mà còn là hình ảnh bay lượn của những con diều sáo những trưa hè.