Dưới đây là mẫu giáo án phát triển năng lực bài: Qua đèo Ngang. Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 7 tập 1. Bài mẫu có : văn bản text, file PDF, file word đính kèm. Thầy cô giáo có thể tải về để tham khảo. Hi vọng, mẫu giáo án này mang đến sự hữu ích và tham khảo cần thiết.
Ngày soạn: Ngày dạy: Tiết: QUA ĐÈO NGANG (Bà Huyện Thanh Quan) I. MỤC TIÊU BÀI HỌC Sau bài học, HS có khả năng: 1. Kiến thức - HS nắm được sơ giản về tác giả Bà Huyện Thanh Quan. - Thấy được đặc điểm thơ Bà Huyện Thanh Quan qua bài thơ "Qua đèo Ngang". - Cảm nhận được cảnh đèo Ngang và tâm trạng tác giả thể hiện qua bài thơ. - Thấy được nghệ thuật tả cảnh, tả tình độc đáo trong văn bản. - Tích hợp giáo dục môi trường: Liên hệ môi trường hoang sơ của Đèo Ngang. 2. Kĩ năng - Đọc - hiểu văn bản thơ Nôm viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. - Phân tích một số chi tiết nghệ thuật độc đáo trong bài thơ. 3. Định hướng phát triển năng lực - Năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tư duy ngôn ngữ. - Năng lực viết sáng tạo. - Tự nhận thức được niềm khát khao hạnh phúc bình dị của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trước tâm trạng cô đơn thầm lặng, nỗi niềm hoài cổ nơi đất khách quê người. - Làm chủ bản thân: tự xác định được trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo vệ quyền sống hoà bình. 4. Thái độ - Giáo dục lòng tự hào về vẻ đẹp, tài năng, nhân phẩm của người phụ nữ. - Giáo dục tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, gia đình, thái độ cảm thông, chia sẻ. Tích hợp bảo vệ môi trường: Bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên. II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH 1. Giáo viên: + Nghiên cứu SGK, SBT, SGV, chuẩn kiến thức kĩ năng, tư liệu tham khảo. + Chuẩn bị kế hoạch dạy học, thiết bị, phương tiện dạy học. + Bản đồ Bắc Trung Bộ, bức ảnh sgk phóng 2. Học sinh: + Đọc kĩ SGK, tài liệu liên quan. + Soạn bài theo hệ thống câu hỏi SGK. III. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC - Kết hợp các phương pháp: Đọc sáng tạo, gợi tìm, nêu vấn đề, phân tích - tổng hợp, giảng bình, thảo luận nhóm. - Kĩ thuật dạy học: + Động não: suy nghĩ về tình cảm và cách ứng xử của tác giả trước cảnh cảnh sắc thiên nhiên nơi đất khách quê người. + Kĩ thuật trình bày một phút về giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản. IV. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC 1. Ổn định tổ chức (1’) 2. Kiểm tra bài cũ (5’) * Câu hỏi: Qua hai văn bản thơ “Sau phút chia li”và “Bánh trôi nước” em có suy nghĩ gì về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến? * Yêu cầu: Người phụ nữ đẹp từ hình thức đến tâm hồn song số phận, cuộc đời long đong, chìm nổi mà họ vẫn giữ được phẩm chất cao đẹp. 3. Bài mới (35’) HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG - Mục tiêu: tạo tình huống/vấn đề học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm hiện có của học sinh và nhu cầu tìm hiểu kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập - Phương pháp: vấn đáp - Thời gian: 3 phút - GV cho HS quan sát hình ảnh về đèo Ngang và giới thiệu: Đèo Ngang thuộc dãy núi Hoành Sơn, phân cách địa giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, là một địa danh nổi tiếng của đất nược ta, một kỳ quan hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng... Đó cũng là nguồn cảm hứng cho thơ ca. Đã có nhiều thi nhân làm thơ vịnh Đèo Ngang như: Cao Bá Quát có bài “Đăng Hoành Sơn”, Nguyễn Khuyến có bài “Qua Hoành Sơn”, Nguyễn Thượng Hiền có bài “Hoành Sơn xuân vọng” nhưng có lẽ bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan được nhiều người biết đến... HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC - Mục tiêu: Trang bị cho học sinh những kiến thức mới liên quan đến tình huống/ vấn đề nêu ra ở hoạt động khởi động - Phương pháp: thuyết trình, pháp vấn, gợi mở, phân tích, nêu vấn đề,… - Thời gian: 20p Hoạt động của GV và HS Nội dung bài học Hoạt động 1: GV giới thiệu cho HS về tác phẩm, tác giả. I. Giới thiệu chung - Bước 1: GV yêu cầu HS dựa vào sgk và hiểu biết của mình, em hãy giới thiệu đôi nét về tác giả? - HS đọc chú thích và trình bày. - GV chuẩn kiến thức: - GV bổ sung: + Bà xuất thân trong 1 gia đình quan lại nhỏ của phủ chúa Trịnh. Nổi tiếng thông minh, học giỏi và có tài làm thơ. + Thơ bà thường viết nhiều về thiên nhiên vào lúc trời chiều, gợi lên cảm giác vắng lặng, buồn buồn. Cảnh trong thơ bà giống như trong bức tranh thuỷ mặc, chấm phá, diễn tả bằng nghệ thuật ước lệ. Tả cảnh để gửi gắm tình cảm nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son một đi chưa trở lại. Đối với bà cái đẹp là cái dĩ vãng. Hiện tại vắng vẻ, hiu quạnh, chỉ là cái bóng mờ mờ của dĩ vãng mà thôi. Chính vì vậy mà người ta gọi Bà là một nhà thơ hoài cổ - hoài thương rất điển hình. 1. Tác giả : - Tên thật là Nguyễn Thị Hinh (TK 19). - Bút danh là Bà huyện Thanh Quan. - là người học rộng tài cao, nữ sĩ tài danh hiếm có. - Đặc điểm thơ: tâm sự hoài cổ. - Bước 2: GV đặt tiếp câu hỏi: Nêu hoàn cảnh ra đời vb? - HS trả lời. GV chuẩn kiến thức - Gv bổ sung: Bà huyện Thanh Quan quê ở Thăng Long, bà là người Đàng ngoài thuộc chúa Trịnh. Nhưng mệnh trời đã chuyển về họ Nguyễn. Lúc đó bà được chúa Nguyễn mời vào cung Phú Xuân - Huế làm chức cung trung giáo tập để dạy công chúa và cung phi. Trên đường vào kinh đô phò vua mới, khi qua Đèo Ngang bà đã dừng chân ngắm cảnh và sáng tác bài thơ Qua Đèo Ngang. Bài thơ in trong “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” tập III (1963). 2. Tác phẩm - Sáng tác trên đường vào kinh đô Huế nhận chức. - Viết bằng chữ Nôm. Hoạt động 2: Hướng dẫn HS tìm hiểu văn bản. II. Hướng dẫn đọc - hiểu văn bản - Bước 1: GV hướng dẫn HS đọc: Bài thơ thể hiện tâm trạng buồn, cô đơn. Khi đọc cần đọc chậm, buồn, ngắt đúng nhịp 4/3 và 2/2/3. Càng về cuối giọng đọc càng chậm, nhỏ hơn. Đến 3 tiếng: trời, non, nước, đọc tách ra từng tiếng; 3 tiếng ta với ta đọc như tiếng thầm thì mình nói với mình. * Đọc mẫu và gọi HS đọc. - Bước 2: Giải thích từ khó - Giải thích các từ khó trong chú thích 1. Đọc - chú thích - Bước 3: Gv đặt câu hỏi: " Qua đèo Ngang" có phải là một văn bản biểu cảm không ? Nếu là văn bản biểu cảm thì cách biểu cảm ở đây là gì? - HS suy nghĩ trả lời. GV chuẩn kiến thức Là văn bản biểu cảm, vì nó bày tỏ cảm xúc, tình cảm của người viết. Hơn nữa, đây là một bài thơ trữ tình. - Bước 4: GV đặt tiếp câu hỏi: Dựa vào chú thích hãy cho biết bài thơ thuộc thể gì, số câu, số chữ ra sao? - HS suy nghĩ trả lời. GV chuẩn kiến thức Thất ngôn bát cú Đường luật (tám câu mỗi câu 7 chữ). - GV bổ sung: Bài thơ được biểu đạt theo phương thức: Biểu cảm + miêu tả Biểu cảm gián tiếp: Mượn cảnh Đèo Ngang để gửi gắm tâm sự. Tả cảnh ngụ tình là biện pháp quen thuộc trong thơ trung đại. - Bước 5: GV giới thiệu bố cục bài thơ thất ngôn bát cú và dẫn dắt HS tìm hiểu bài thơ theo bố cục đã chia. (Bảng phụ) 2. Kết cấu, bố cục - PTBĐ: Biểu cảm. - Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật. - Bố cục: 4 phần Hoạt động 3: Hướng dẫn HS phân tích văn bản 3. Phân tích: Tìm hiểu hai câu đề - Bước 1: GV đặt câu hỏi: Câu thơ đầu 2 câu đề giới thiệu với chúng ta không gian ở đâu ? - HS suy nghĩ trả lời. GV nhận xét: không gian của đèo Ngang - Bước 2: GV yêu cầu HS thảo luận cặp đôi, trả lời các câu hỏi sau + Dựa vào 4 câu thơ đầu em hãy cho biết cảnh đèo Ngang hiện ra qua những chi tiết nào? (Không gian, thời gian, cảnh vật, con người) + Thời điểm đó có lợi thế gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả ? - HS thảo luận, đại diện báo cáo, nhóm khác nhận xét. - GV nhận xét và chuẩn kiến thức Đây là lúc trời đã về chiều, là lúc chuyển giao giữa ngày và đêm. Đó là thời khắc của ngày tàn, lúc này chỉ còn những tia nắng yếu ớt và màn đêm đang dần buông xuống. - GV bình: Thời điểm ấy không còn là thời điểm của vui tươi, rạng rỡ mà đã xiêu xiêu về phía hoài niệm mơ màng. Thời điểm ấy rất phù hợp với tâm trạng của người lữ khách xa nhà, nó gợi buồn, gợi nhớ, gợi sự cô đơn. Ta cũng từng gặp yếu tố thời gian nhằm bộc lộ tâm trạng thể hiện rất rõ trong ca dao : Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. - Bước 2: GV đặt tiếp câu hỏi: Cách lựa chọn không gian, thời gian ấy có ý nghĩa như thế nào? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - Bước 3: GV yêu cầu HS theo dõi văn bản và trả lời: Câu thơ nào miêu tả cảnh thiên nhiên của Đèo Ngang ? Tìm các từ ngữ gợi tả thiên nhiên? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. Cỏ, cây, đá, lá, hoa. Đây là phép liệt kê gây ấn tượng về số lượng bề bộn, dày đặc của cảnh vật. - Gv đặt câu hỏi: Em có nhận xét gì về từ chen? Những chi tiết ấy được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật đặc sắc nào? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. + Từ “chen” là động từ : lẫn vào nhau, lấn nhau, đan xen nhau không có hàng lối, không có trật tự. + Nghệ thuật: điệp từ, sử dụng tiểu đối: cỏ cây chen đá >< lá chen hoa => cảnh vật rậm rạp, hoang vắng, chen lấn nhau để tồn tại. - GV đặt tiếp câu hỏi: Với nghệ thuật đó tạo nên cảnh vật nơi đây như thế nào? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. Từ “chen” được điệp lại hai lần gợi sức sống của cỏ cây hoa lá ở một nơi chật chội, chật hẹp, cằn cỗi. “Chen” còn là chen lấn, gợi vẻ hoang dã, vô trật tự của thế giới vô tri. Cảnh tuy mang màu sắc hoang dã nhưng vẫn có vẻ hiu hắt tiêu điều. - GV chuyển ý: Thiên nhiên là vậy, còn con người nơi đây ra sao? Chúng ta tìm hiểu tiếp hai câu thực 3.1. Hai câu đề - Không gian: Đèo Ngang mênh mông, rộng lớn. - Thời gian: chiều tà gợi nỗi buồn, nhớ. Gợi buồn, gợi nhớ, gợi sự cô đơn. Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. - Cảnh vật : Cỏ, cây, đá, lá, hoa. + Phép liệt kê. + Điệp từ: “ chen” + Cách gieo vần độc đáo, điệp âm. + Phép tiểu đối. - Gợi sự rậm rạp, hoang sơ, vắng vẻ. - Bước 4: GV yêu cầu HS đọc 2 câu thực và trả lời câu hỏi: + Hai câu thực miêu tả những hình ảnh nào? Thể hiện qua những chi tiết nào? + Nhà thơ đã có cách miêu tả như thế nào? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. + Miêu tả hình ảnh con người qua chi tiết “tiều vài chú”; miêu tả mái nhà qua chi tiết “chợ mấy nhà”. + Vị trí quan sát: đỉnh đèo quan sát được bao quát cảnh vật. - GV đặt tiếp câu hỏi: Từ cảnh sắc thiên nhiên, tác giả đã chuyển sang miêu tả về con ngư¬ời như¬ thế nào? Lom khom ... tiều vài chú Lác đác ... chợ mấy nhà. - GV: Em có nhận xét gì về những từ ngữ này? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. • Từ láy gợi tả: + Lom khom: gợi tả hình dáng nhỏ bé của người tiều phu giữa hoang sơ vắng vẻ. + Lác đác: gợi sự thưa thớt, ít ỏi. • Các danh từ chỉ số lượng: vài, mấy - GV yêu cầu HS: Nhận xét nghệ thuật trong câu thơ? Tác dụng? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - Phép đối: Đối thanh: - Đối thanh, đối ý, từ loại: Lom khom >< lác đác Dưới núi >< bên sông Tiều vài chú >< chợ mấy nhà Lom khom dưới núi tiều vài chú >< Lác đác bên sông chợ mấy nhà Đối từ loại: vài – mấy; chú – nhà - Đảo ngữ: Tiều vài chú – Chợ mấy nhà - Đảo trật tự ngữ pháp: lom khom, lác đác... => Điểm nhìn đã thay đổi: Nhìn xuống, nhìn ra xa. Nét vẽ ước lệ nhưng thần tình, tinh tế trong cảm nhận gợi tả hình ảnh con người thưa thớt, cuộc sống hoang sơ... - Bước 5: GV đặt câu hỏi kết luận: Qua phân tích câu thơ, em hãy đánh giá về cuộc sống và con người nơi đây? Tâm trạng của tác giả? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - GV bình: Là sự sống của con người đấy nhưng chỉ là vài, mấy, lác đác. Cuộc sống đã thưa thớt lại càng tiêu điều, thê lương với sự lác đác của lều chợ. Những số từ chỉ số nhiều nhưng thực tế lại là số ít, chẳng đáng là bao: vài, mấy. Cái ấn tượng vắng vẻ và mênh mông, lặng lẽ và hoang tịch cư thêm đậm, thêm thấm sâu vào lòng người xa xứ. 4 câu thơ đầu là khung cảnh thiên nhiên bao la, rộng lớn trong một buổi chiều tà. Đây là cảnh hiện thực khách quan hay là cảnh tâm trạng ? 2 câu luận sẽ lí giải rõ hơn. 3.2. Hai câu thực Lom khom dưới núi, tiều vài chú Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. - Từ láy gợi tả. - Đối thanh, đối từ loại và đối cấu trúc câu, tạo nhịp điệu cân đối cho câu thơ. - Đảo ngữ, đảo trật tự ngữ pháp => Nhấn mạnh thêm cái ấn tượng về hình dáng vất vả của người tiều phu và sự thưa thớt, hiu quạnh của lều chợ. - Sự sống của con người đã xuất hiện nhưng còn thưa thớt, vắng vẻ. - Bước 6: GV đặt câu hỏi: Trong buổi chiều tà hoang vắng trên Đèo Ngang ấy nhà thơ đã nghe thấy âm thanh gì ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. Âm thanh của tiếng chim quốc và chim đa đa. - GV bổ sung: Ở đây các em cần lưu ý 2 điển tích: Chim quốc được lưu truyền là hồn Thục đế mất nước nêu đau lòng kêu khóc đến nhỏ máu ra mà chết biến thành con chim quốc. Chim đa đa là nhắc tới tích : Bá Di, Thúc Tề - là 2 bề tôi của nhà Thương, thà chết đói chứ không chịu sống với nhà Chu, không ăn thóc nhà Chu nên đã chết hoá thành chim đa đa. Hai điển tích này không xa lạ đối với các nhà thơ trung đại. Tiếng chim ở đây cũng là yếu tố nghệ thuật có tác dụng gợi tả tâm trạng và nỗi lòng nhân vật trữ tình. - GV đặt câu hỏi: Cách biểu đạt gián tiếp thông qua âm thanh của tiếng chim, là sử dụng biện pháp tu từ gì ? Tác dụng của biện pháp tu từ đó ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - GV đặt câu hỏi: Vậy theo em tiếng chim quốc và chim đa đa kêu trên đèo vắng, lúc chiều tà gợi cảm giác vui tươi, phấn khỏi hay gợi nỗi buồn khổ ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - GV bổ sung: Hai từ: quốc quốc, gia gia ngoài nghĩa chỉ chim quốc và chim đa đa, còn có nghĩa: quốc - nước, gia - nhà, đây là 2 từ Hán Việt đa nghĩa và đồng nghĩa. Cách dùng từ đa nghĩa và đồng nghĩa trong thơ văn chính là phép tu từ chơi chữ. - Bước 7: Nhận xét về nghệ thuật hai câu thơ. GV dẫn dắt HS tìm hiểu qua các câu hỏi + GV: Theo em chơi chữ có tác dụng gì? • Chơi chữ tạo cách hiểu bất ngờ và tạo sự hấp dẫn thú vị cho câu thơ. + GV đặt câu hỏi: Cùng với phép chơi chữ, 2 câu luận còn sử dụng phép đối, em hãy chỉ ra phép đối và tác dụng của nó? • Đối: thanh, từ loại, nghĩa Làm cho câu thơ cân đối, nhịp nhàng. + GV: Những biện pháp nghệ thuật trên đã góp phần bộc lộ trạng thái cảm xúc gì của nhà thơ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - GV bổ sung: Như đã giới thiệu ở phần đầu, Bà huyện Thanh Quan là người Đàng Ngoài thuộc Lê Trịnh, nhưng nay lại thuộc triều Nguyễn ở Đàng Trong. Vì vậy trong tâm tư của bà không khỏi không ngầm lắng sự thương nhớ và nối tiếc triều Lê, một triều đại vàng son đã qua và là sự phủ định chính quyền nhà Nguyễn bấy giờ. Từ cảnh trước mắt quay về cảnh đã qua, từ hiện thực trở về quá khứ. Đó là hiện thân tiếng lòng người lữ khách đi đường lẻ loi, nhiều tự sự. Hoài cổ, hoài thương của bà. 3.3. Hai câu luận Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia - Tiếng chim kêu: vừa là yếu tố nghệ thuật vừa là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng để bộc lộ chiều sâu tình cảm. Gợi nỗi buồn khổ, khắc khoải, triền miên không dứt. - Nghệ thuật: + Phép chơi chữ. + Phép đối (thanh, từ loại, nghĩa) => Bộc lộ rõ trạng thái cảm xúc hoài cổ, nhớ nước và thương nhà da diết. - Bước 8: GV yêu cầu HS đọc 2 câu kết và trả lời các câu hỏi: + Câu trên tả cảnh gì ? Cảnh trời, non, nước gợi cho ta ấn tượng về một không gian như thế nào? + Câu dưới nói về điều gì? Tình riêng đc nhắc tới trong câu thơ là tình cảm như thế nào? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. Tình riêng là chỉ tình cảm sâu kín, đó không phải là tình yêu đôi lứa mà là tình yêu quê hương, đất nước của tác giả. - GV: Tại sao tác giả lại dùng từ mảnh? Mảnh gợi sự nhỏ bé, yếu ớt, mỏng manh. - GV đặt tiếp câu hỏi: Ta với ta là chỉ ai với ai? Nó thuộc từ loại gì? Đại từ - chỉ mình với mình, chỉ có một mình ta biết, một mình ta hay. - Bước 9: GV đặt tiếp câu hỏi: Câu trên tả cảnh rộng lớn, bao la còn câu dưới lại nói về con người nhỏ bé, yếu đuối, cô đơn. Hai hình ảnh này như thế nào với nhau ? Nó có tác dụng gì ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - Bước 10: GV đặt tiếp câu hỏi: Theo em, hai câu kết đã diễn tả được tâm trạng gì của nhà thơ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - GV bổ sung : Từ chỗ cảm nhận vẻ đẹp hoang vắng của thiên nhiên, nhà thơ quay trở về thực tại của cõi lòng. Đứng trước trời, nước mênh mông, trước cảnh bể dâu của cuộc đời, con người thấy nhỏ bé, cô đơn, quay lại chỉ có mình với mình, với mảnh tình riêng đơn lẻ, nhỏ nhoi, trống vắng mênh mông. 3.3. Hai câu kết Dừng chân đứng lại, trời, non, nước Một mảnh tình riêng, ta với ta. Gợi không gian bao la rộng lớn >< Con người nhỏ bé, yếu đuối, cô đơn. => Hình ảnh đối lập làm nổi rõ tâm trạng buồn, lẻ loi, cô đơn, không có người sẻ chia. => Diễn tả sự cô đơn tuyệt đối của con người trước thiên nhiên hoang vắng, rộng lớn. Hoạt động 4: Hướng dẫn HS tổng kết. 4. Tổng kết - Bước 11: GV yêu cầu HS: Nêu biện pháp nghệ thuật của bài thơ ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. 4.1. Nghệ thuật - Sử dụng thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú một cách điêu luyện. - Sáng tạo trong việc sử dụng từ láy, từ đống âm khác nghĩa gợi hình, gợi cảm. - Sử dụng nghệ thuật đối hiệu quả trong việc tả cảnh, tả tình. - Bước 12: GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp đôi: Nội dung của bài thơ? Ý nghĩa của bài thơ? - HS trả lời, GV nhận xét và chuẩn kiến thức. - Bước 13: GV yêu cầu HS đọc ghi nhớ SGK -104. - HS đọc. GV nhấn mạnh kiến thức 4.2. Nội dung, ý nghĩa * Nội dung - Bức tranh cảnh vật bao la rộng lớn nhưng tiêu điều, hoang sơ. - Tâm trạng con người cô đơn, hoài cổ, nhớ nước, thương nhà. * Ý nghĩa - Bài thơ thể hiện tâm trạng cô đơn thầm lặng, nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ trước cảnh vật Đèo Ngang. 4.3. Ghi nhớ (SGK – 104) HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP - Mục tiêu: hoàn thiện kiến thức vừa chiếm lĩnh được; rèn luyện kĩ năng áp dụng kiến thức mới để giải quyết các tình huống/vấn đề trong học tập. - Phương pháp: Vấn đáp - Thời gian: 5 p Câu 1: Bài thơ Qua đèo Ngang là của tác giả nào? A. Hồ Xuân Hương B. Nguyễn Du C. Bà Huyện Thanh Quan D. Nguyễn Khuyến Câu 2: Trong bài thơ Qua Đèo ngang, cảnh vật được miêu tả vào thời điểm nào? A. Vào lúc sáng sớm B. Vào lúc buổi trưa vắng vẻ C. Vào buổi chiều tà D. Vào buổi tối Câu 3: Bài thơ “Qua Đèo Ngang” viết theo phương thức biểu đạt nào ? A. Tự sự. B. Miêu tả. C. Nghị luận. D. Biểu cảm. Câu 4: Hai câu thơ đầu bài thơ diễn tả không gian đèo Ngang như thế nào? A. Hoang sơ, huyền ảo B. Hùng vĩ, vắng lặng C. Thơ mộng, yên bình D. Hoang sơ, vắng lặng Câu 5: Nghệ thuật nổi bật trong câu thứ ba và thứ tư là gì? A. So sánh B. Nhân hóa C. Đảo ngữ D. Điệp ngữ Câu 6: Tâm trạng của bà Huyện Thanh Quan được bộc lộ qua bài thơ là tâm trạng gì? A. Yêu say mê vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước B. Đau xót, ngậm ngùi trước sự đổi thay của quê hương C. Buồn đau da diết khi phải sống trong cảnh cô đơn D. Cô đơn trước thực tại, da diết nhớ về quá khứ của đất nước Câu 7: Những từ nào gợi lên cảm giác hoang vắng, quạnh hiu. của đèo Ngang? A. Lác đác B. Lom khom C. Quốc quốc D. Gia gia Câu 8: Trong bốn câu đầu của bài thơ khung cảnh được miêu tả như thế nào ? A. Đèo Ngang rất hùng vĩ B. Đèo ngang có rất nhiều hoa cỏ C. Khung cảnh thiên nhiên sống động, nhưng con người thưa thớt D. Đèo Ngang rất vắng vẻ, thiên nhiên và con người đều mang sắc thái buồn Câu 9: Qua Đèo Ngang là tác phẩm viết theo thể thơ gì? A. Song thất lục bát B. Lục bát C. Ngũ ngôn D. Thất ngôn bát cú Câu 10: Đèo Ngang thuộc địa phương nào? A. Đà Nẵng B. Quảng Bình C. Nơi giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Bình D. Nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG - Mục tiêu: phát hiện các tình huống thực tiễn và vận dụng được các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tương tự tình huống/vấn đề đã học. - Phương pháp: Vấn đáp - Thời gian: 5p - GV yêu cầu: Viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nghĩ của em về cảnh tượng Đèo Ngang trong bài thơ? - HS trình bày ra phiếu học tập. - GV thu 3 phiếu cho HS nhận xét, cho điểm. HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG - Mục tiêu: tìm tòi, mở rộng thêm những gì đã được học, dần hình thành nhu cầu học tập suốt đời. - Phương pháp: thực hành có hướng dẫn - GV hướng dẫn vẽ sơ đồ tư duy, tóm tắt kiến thức bài học 4. Hướng dẫn HS về nhà (2’) * Học bài cũ - Học thuộc bài thơ, nắm được nội dung và nghệ thuật của bài thơ. - Hoàn thành bài luyện tập. * Chuẩn bị bài mới: Soạn bài Bạn đến chơi nhà.