Bước vào thời điểm nước rút của kỳ thi tuyển sinh vào 10, các bạn học sinh cần có cho mình một chiến lược ôn tập thật hợp lý.Năm nay, tỉ lệ chọi vào các trường THPT ở mức rất cao. Sự cạnh tranh là rất khốc liệt nên hãy nắm ngay những bí quyết dưới đây để đạt điểm cao môn Toán vào 10.Và để phần nào hỗ trợ cho mùa tuyển sinh thành công, Trắc nghiệm Online sẽ đưa ra cấu trúc đề sát nhất với đề thi thật thông qua sự phân tích đề thi môn Toán vào 10 các năm của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội.Hi vọng sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho các bạn sĩ tử trong kỳ thi cận kề !.
Cấu trúc đề tuyển sinh môn Toán
Câu 1: (2 điểm)
a) Tính giá trị biểu thức .
b) Rút gọn biểu thức, chứng minh biểu thức .
c) Tìm x thỏa mãn điều kiện cho trước ( Max, min, bằng 1 giá trị cho trước…) .
Câu 2 : (2 điểm)
Giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình.
( Bài toán quãng đường- vận tốc-thời gian; Năng suất lao động, …)
Câu 3: (2 điểm)
1. Giải hệ phương trình: thường là đặt ẩn phụ để đưa về hệ bậc nhất hai ẩn.
2. Bài toán quy về phương trình bậc 2 một ẩn (có thể là bài toán tương giao của đồ thị hàm bậc 2 và đồ thị hàm bậc nhất).
a) Tìm nghiệm hoặc số nghiệm, chứng minh kết luận về nghiệm.
b) Ứng dụng định lí Vi-et .
Câu 4: (3,5 điểm) _ Bài toán hình học
a) Chứng minh tứ giác nội tiếp .
b) ,c) ,d) Chứng minh //, vuông góc, tỉ lệ, tìm quỹ tích, max , min ( mỗi ý 0,5 điểm )
Câu 5: ( 0,5 điểm) _ Bất Đẳng Thức, phương trình, hệ phương trình không mẫu mực
Nhìn vào ma trận đề thi trên, để đạt điểm cao các em cần xác định mục tiêu cụ thể cho bài thi Toán, cố gắng tránh mất điểm ở những câu dễ, trình bày lôgic chặt chẽ. Đặc biệt chú ý với các bài toán phương trình, hệ phương trình và tập trung vào các ý đầu của phần hình học.
=> Qua đó , nhằm giúp các bạn thí sinh tránh các sai lầm đáng tiếc cũng như có định hướng ôn thi tốt nhất Trắc nghiệm Online có những lời khuyên hữu ích sau đây :
Lời khuyên
* Thứ nhất: Xác định mục tiêu điểm số với môn toán
Dựa trên năng lực hiện tại của mình, các bạn cần đề ra một mục tiêu cụ thể cần đạt được với môn Toán (có thể từ điểm số các bài kiểm tra, việc thi thử các đề chuẩn cấu trúc, đánh giá năng lực trên các đề những năm trước…) từ đó có kế hoạch ôn tập các phần hợp lí.
* Thứ hai: Làm câu nào ăn chắc câu đó
Cần cố gắng để khi làm được câu nào thì phải đạt điểm tối đa câu đó, không bỏ bước, trình bày lôgic chặt chẽ. Trong quá trình làm hãy luôn tìm cách hạn chế tối đa sai lầm có thể mắc phải cũng như tự đưa ra các cách thức để kiểm tra sai lầm đó .
Ví dụ như ở ngay Câu 1 là một bài dễ nhưng rất nhiều học sinh vì bất cẩn nên bị sai ngay từ bước rút gọn từ đó dẫn tới sai các ý tiếp theo. Để tránh sai lầm trong việc rút gọn các em có thể sử dụng cách sau: Rút gọn bình thường để ra kết quả, và để kiểm tra kết quả có thể lấy một giá trị bất kì của x (thường là các giá trị để giúp tính toán được thuận lợi) sau đó thay vào biểu thức ban đầu và biểu thức rút gọn, nếu các đáp số nhận được bằng nhau nghĩa là ta thực hiện đúng , yên tâm về kết quả của mình, để cẩn thận hơn em có thể thử nhiều giá trị và sử dụng phím CALC trong máy tính cầm tay (hoặc sử dụng mode 7) để thuận tiện cho quá trình tính toán .
Các bài giải phương trình, hệ phương trình cần chú ý tới điều kiện, để chắc chắn hơn sau khi có nghiệm các bạn nên thay lại vào phương trình, hệ phương trình ban đầu để kiểm tra (có thể sử dụng máy tính cầm tay).
* Thứ ba: Cẩn thận với các bài toán thực tế áp dụng phương trình, hệ phương trình
Các bài toán về lập phương trình, hệ phương trình từ các bài toán thực tế các bạn cần chú ý về đơn vị, xác định rõ công việc cần làm đối với các bài toán về sản xuất. Có thể theo phương án đề bài hỏi gì thì đặt giá trị đó bằng các ẩn sau đó tìm mối liên hệ giữa giá trị đó với các dữ kiện đề bài đã cho. Và để giải hệ phương trình thì chỉ cần để ý một chút các bạn sẽ dễ dàng đặt được hai ẩn mới để đưa hệ về hệ bậc nhất hai ẩn hai phương trình.
* Thứ tư: Với phân môn Hình học , tập trung ăn điểm tối đa các ý dễ ở câu hình học
Phần hình học luôn có ý đầu là ý khá dễ, chỉ yêu cầu học sinh nhớ định lí về việc chứng minh tứ giác nội tiếp, ý ( b ) , ( c ) có xu hướng thiên về việc sử dụng các hệ thức trong tam giác vuông kết hợp việc sử dụng các tính chất của tứ giác nội tiếp để chứng minh các tính chất về góc hoặc tỉ lệ đoạn thẳng. Học sinh khá là có thể làm được các ý trên. Riêng ý ( d ) của câu hình là ý khó với các dạng bài như quỹ tích, tìm điểm cố định…và yêu cầu học sinh cần rèn luyện nhiều . => Do vậy nếu các bạn không quá xuất sắc hoặc không tự tin có thể dành ít thời gian ôn câu này và câu 5 (0,5 điểm) .Bởi lẽ chúng ta nên dành nhiều thời gian tập trung vào những bài toán dễ , hợp khả năng kiến thức bản thân .Đặc biệt các bước vẽ hình cũng vô cùng quan trọng nhưng lại rất dễ lấy điểm , các bạn nên lưu ý .
Ngoài ra , để có một bài thi đạt điểm cao các bạn phải hết sức cẩn thận trong quá trình làm bài cũng như cách trình bày, có thể tham khảo hướng dẫn chấm thi hàng năm của sở về cách chia điểm cho mỗi ý ở từng bài từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân và không bị bỏ bước dẫn đến mất điểm. Khi làm đề cần đọc kĩ đề bài để tránh hiểu nhầm các dữ kiện hoặc hiểu nhầm ý mà đề bài yêu cầu, với mỗi câu sau khi làm xong cần có kết luận rõ ràng.
Vậy là kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT không còn quá xa , Trắc nghiệm Online hi vong với những thông tin hữu ích được cập nhật hàng ngày cũng như lời khuyên bổ ích từ những Thầy (cô) giáo giàu kinh nghiệm sẽ là nền tảng vững chắc giúp các bạn thí sinh bình tĩnh , tự tin làm bài !
Chúc các bạn sĩ tử có một mùa thi thật thành công với số điểm cao như mong đợi !