Nghề truyền thống chiếu cói của Thái Bình đã có hàng trăm năm tuổi. Gắn bó và đã mang lại cho những người dân làng nghề một cuộc sống sung túc, vơi bớt vất vả gian nan. Tuy nhiên trước sự phát triển của nền công nghiệp và quá trình đô thị hóa, nghề truyền thống chiếu cói đã dần mai một theo thời gian. Chuyện rằng, nguyên trước đây làng Hới (tên tục của thôn Hải Triều), xã Tân Lễ đã có nghề dệt chiếu, nhưng người dân dùng bàn dệt đứng. Do vậy, chiếu dệt ra không được đẹp và chắc. Ở làng ngày ấy có cụ Phạm Đôn Lễ đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (1481), niên hiệu Hồng Đức thứ 12, đời vua Lê Thánh Tông được cử đi sứ nhà Minh. Ở xứ người, cụ đã học được các kỹ thuật dệt chiếu tiên tiến của Trung Quốc rồi về truyền dạy cho dân làng. Từ đấy chiếu làng Hới dệt ra đẹp hơn, sợi đan đều hơn. Về sau dân làng tôn Phạm Đôn Lễ là tổ nghề dệt chiếu, gọi là Trạng Chiếu và lập đền thờ cụ.

Với truyền thống lâu đời, làng Hới ngày nay vẫn giữ nghề, tạo ra nhiều sản phẩm chiếu nổi tiếng để cung cấp cho khách hàng thập phương. Nhắc đến kỹ thuật dệt chiếu, làng Hới chính là nơi hội tụ những kỹ thuật tinh xảo và khéo léo từ những người nông dân chất phác, bình dị xã Tân Lễ. Mỗi năm các hộ dân thường dệt trong khoảng 8 tháng. Thời gian còn lại của họ dành cho các công việc đồng ruộng.

Cói và sợi đay chính là 2 nguyên liệu chủ yếu để làm nên một chiếc chiếu. Làng Hới nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, là nơi khá thuận lợi để phát triển hai loại cây này. Khi thu hoạch cói và đay, người thợ lựa chọn nguyên liệu đạt chuẩn và đem về nhuộm màu, dệt thành phẩm.