Đề bài: Suy nghĩ của anh/chị về lối sống tự lập của thanh niên trong xã hội hiện nay .
Bài làm văn mẫu
Mỗi người từ khi sinh ra đến lúc bước những bước chập chững đầu đời đều được sự chăm bẵm nâng niu của cha mẹ. Và dân gian ta xưa cũng có câu rằng “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tức là chúng ta có quyền được núp dưới vòng tay của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục sống một cách ỉ lại như thế thì thử hỏi bao giờ chúng ta mới trưởng thành được? Câu hỏi có nên tự lập sớm hay không vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới trẻ hiện nay.
Tự lập là việc bạn tự làm chủ hành vi, suy nghĩ, hành động của bản thân. Và tất nhiên khi đã dám làm thì bạn sẽ phải tự “gánh nhận” kết quả dù nó tốt hay xấu. Trên thực tế đây là một suy nghĩ tốt nếu bạn biết tự chủ hành vi cũng như suy nghĩ của mình.
Biểu hiện của tự lập rất phong phú và không phải cứ đến lớn thì chúng ta mới học cách tự lập. Có nhiều người bản tính này đã có từ thuở tấm bé. KHi mà cha mẹ còn mải miết kiếm tiền, chăm sóc gia đình thì các con đã tự biết chăm sóc bản thân mình, tự dậy sớm đi học, tự tắm giặt... mà không phiền đến bất cứ ai. Rồi đến khi bạn đi học, tính tự lập thể hiện ở việc bạn tự học, tự tìm cách giải bài tập mà không cần đến thầy cô, bố mẹ... Thế nhưng dường như chỉ có số ít các cá nhân có được đức tính này còn lại đa phần mọi người thường dựa dẫm vào bố mẹ.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi, ở một đất nước đậm văn hóa truyền thống như Việt Nam tâm lí của bố mẹ thường là bao bọc, che chở con cái theo cách “con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Vì thế, bố mẹ sẵn sàng hấng đậng tất cả mọi việc để con cái của mình được sung sướng. Bé đã vậy lớn lên khi thi đại học bố mẹ cũng định hướng chọn nghề này trường kia, rồi chạy chọt cho con có một chỗ làm ổn định... Tất nhiên suy nghĩ này không sai nhưng xét về lâu dài thì quan niệm này không đúng.
Trên thực tế, lối sống tự lập với trẻ em ở Nhật Bản đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và noi theo. Trẻ em ở đây có thể tự đi học, tự mặc quần áo, tự làm tất cả mọi việc phù hợp với lứa tuổi của chúng mà không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ. Còn đối với nước ta, chắc chắn rằng bạn sẽ gặp đâu đó những trường hợp mà con cái đi học xa bố mẹ không tự nấu cho mình nổi một bữa cơm. Lí do đơn giản là vì ở nhà đã quen được cơm bưng nước rót nên giờ chẳng biết làm gì ngoài học.
Bố mẹ thường tặc lưỡi mà bảo rằng “Thôi chỉ cần học giỏi là được”, thế nhưng xã hội này không cần những người chỉ biết lí thuyết sách vở mà quên đi việc làm thực tiễn. Bạn sẽ thế nào nếu như không thể giặt cho mình một chiếc áo? Đồng tiền có sức mạnh lớn lao nhưng nó không thể mua cho bạn được cảm giác thành công khi tự mình chinh phục được tất cả.
Trên thực tế có rất nhiều những tấm gương tự lập đáng để chúng ta học tập. Trong lịch sử có nhân vật Mai An Tiêm người đã khước từ sự nâng đỡ của Vua Hùng để tự mình chinh phục mọi thứ trong cuộc sống. Rồi trong thực tế cũng có nhiều các anh chị đã tự chọn cho mình một hướng đi riêng, tự gây dựng cho mình sự nghiệp vẻ vang. Tất nhiên, không phải vì thế mà chúng ta phủ nhận sự “trợ giúp” từ phía gia đình bố mẹ. Bởi nếu bạn có bản tính tự lập cùng với nền tảng vốn có từ gia đình thì thành tựu của bạn sẽ ngày càng vững chắc hơn mà thôi. Song điều đáng quý nhất mà chúng ta cần đó chính là tự chủ được hành động của mình. Chỉ có như thế thì chúng ta mới cảm nhận được hết giá trị của thành công cũng như xây nên cho mình một nền móng vững chắc mà thôi.
Tuy nhiên tự lập tức là đi liền với nó bạn phải là người có tư tưởng vững vàng, có thể làm chủ được hành vi cũng như suy nghĩ của chính mình. Không phải tự lập mà muốn làm gì thì làm, muốn gây hậu quả thế nào chỉ cần mình tự gánh chịu là xong. Mà nó phải mang ý nghĩa tích cực tốt đẹp.
Không có thành công nào lại trải hoa hồng cả, tất cả đều phải đến từ sự tự lực và tự chủ. Tính tự lập trong xã hội hiện đại càng được đề cao hơn bao giờ hết. Vì chỉ khi bạn tự lập bạn mới đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc đời mà thôi.