Ôn tập phần Làm Văn sẽ giúp chúng ta ôn tập lại các kiến thức về kiểu loại văn bản đã học trong chương trình Ngữ Văn Trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12. Trắc nghiệm Online, xin được tóm tắt kiến thức trọng tâm và hướng dẫn soạn văn chi tiết tác phẩm. Mời các bạn tham khảo!.
A. Kiến thức trọng tâm
1. Các kiểu văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông và những yêu cầu cơ bản của các kiểu văn bản đó:
Kiểu văn bản | Những yêu cầu cơ bản |
Tự sự | Trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục nhằm biểu hiện con người, đời sống, tư tưởng, thái độ ... |
Thuyết minh | Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả của sự vật, hiện tượng, vấn đề ... nhằm giúp người đọc có tri thức và tháiđộ đúng đắn đối với đối tượng được thuyết minh. |
Nghị luận | trình bày tư tưởng, quan điểm,nhận xét, đánh giá, ... đối với các vấn đề xã hội hoặc văn học qua các luận diểm, luận cứ,lập luận có tính thuyết phục ... |
Văn bản báo chí, | Cung cấp tin tức thời sự, phản ánh dư luận và ý kiến của quần chúng. Đồng thời nêu lên quan điểm chính kiến của tờ báo, nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội. |
văn bản hành chính | Sử dụng để giao tiếp giữa cơ quan, người có thẩm quyền với nhân dân văn bản hành chính cần chính xác bởi vì đa số đều có giá trị pháp lí. văn bản hành chính cần sự trang trọng nên thường sử dụng từ ngữ Hán-Việt. |
quảng cáo | Văn bản quảng cáo là loại văn bản thông tin về một sản phẩm hay một loại dịch vụ. nhằm thu hút và thuyết phục khách hàng về chất lượng, lợi ích, sự tiện dụng |
bản tin | Bản tin là một thể loại của văn bản báo chí nhằm thông tin một cách chân thực, kịp thời những sự kiện thời sự có ý nghĩa trong cuộc sống. Đảm bảo tính thời sự, Tin phải có ý nghĩa xã hội, Nội dung tin phải chân thực, chính xác.
|
văn bản tổng kết, | Văn bản tổng kết nhằm tổng hợp lại kết quả của quá trình hoạt động hoặc học tập để rút ra bài học kinh nghiệm Có thể thuộc phong cách hành chính hoặc khoa học |
2. Để viết một văn bản, càn thực hiện các công việc
- Đọc đề, tìm hiểu và xác định yêu cầu của đề bài
- Tìm, chọn ý và lập dàn ý
- Viết bài theo dàn ý đã lập
- Đọc lại, sửa chữa
3. Ôn tập về văn nghị luận
a) Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường
- Đề tài của văn nghị luận trong nhà trường gồm 2 nhóm
- Nghị luận xã hội: về một tư tưởng đạo lý hoặc một hiện tượng đời sống
- Nghị luận văn học: về một ý kiến, nhận định hoặc một tác phẩm, đoạn trích
- Các đề tài đó có điểm giống và khác nhau
- Giống nhau: đều là dạng bài thể hiện quan điểm, ý kiến của bản thân và sử dụng các thao tác lập luận, dẫn chứng, lí lẽ để thuyết phục người đọc, người nghe theo ý kiến của mình
- Khác nhau: Nghị luận xã hội là kiểu văn nghị luận đòi hỏi người viết phải có hiểu biết về xã hội, kiến thức nền rộng. Còn với nghị luận văn học đòi hỏi người viết phải có kiến thức về văn học, đọc sâu, hiểu rộng và có kỹ năng phân tích tác phẩm, hình tượng nhân vật...
b) Lập luận trong văn nghị luận
- Lập luận gồm các yếu tố: luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận.
- Luận điểm là tư tưởng cơ bản của bài văn nghị luận; luận cứ bao gồm cả lí lẽ và dẫn chứng để giải thích và chứng minh cho luận điểm; phương pháp lập luận là cách xây dựng, sắp xếp luận cứ theo một hệ thống khoa học, chặt chẽ để làm sáng tỏ luận điểm. Các yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ, yếu tố này bổ sung cho yếu tố kia, mục đích cuối cùng là làm sáng tỏ luận điểm ban đầu.
- Có 6 thao tác lập luận cơ bản là chứng minh, giải thích, phân tích, so sánh, bình luận và bác bỏ
- Các lỗi thường gặp khi viết văn nghị luận và cách khắc phục
- Nêu luận điểm không rõ ràng, trùng lặp, không phù hợp với bản chất của vấn đề cần giải quyết. Cần phải viết luận điểm rõ ràng, ở đầu hoặc cuối đoạn văn. Thông thường, viết ở đầu đoạn văn sẽ giúp người viết định hướng ngay từ đầu, tránh tình trạng bị lạc đề.
- Nêu luận cứ không đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu chân thực, trùng lặp hoặc quá rườm rà, không liên quan đến luận điểm cần trình bày. Để khắc phục, trong quá trình tìm ý, cần phải phân tích vấn đề rõ ràng trên tất cả các bình diện. Như thế sẽ đảm bảo bài nghị luận đầy đủ, chuẩn chỉnh và thuyết phục.
- Lập luận mâu thuẩn, luận cứ không phù hợp với luận điểm. Cần lập dàn ý chi tiết trước khi viết để tránh sự nhầm lẫn này.
c) Bố cục của bài văn nghị luận gồm 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận một cách ngắn gọn nhưng gây được hứng thú với người đọc, người nghe. Với các bài nghị luận văn học bàn về ý kiến hoặc nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý, cần trích dẫn ý kiến, nhận định một cách chính xác.
- Thân bài: triển khai và giải quyết vấn đề đã được nêu ra ở mở bài bằng các luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) giàu tính thuyết phục. Trong quá trình viết, người viết cần chú ý sử dụng các thao tác lập luận phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất. Giữa các đoạn trong bài nghị luận cần phải được ngăn cách bằng các tín hiệu: dấu chấm xuống dòng, lùi vào đầu dòng và viết hoa.
- Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và ý kiến, quan điểm của cá nhân người viết.
d) Diễn đạt trong văn nghị luận
- Diễn dạt cần chặt chẽ, thuyết phục cả về lí trí và tình cảm.
- Người viết bài nghị luận thường hay mắc phải những lỗi sai về diễn đạt như sử dụng câu không đúng mục đích, từ ngữ không cọn lựa...Để khắc phục lỗi sai này, người viết cần dùng từ, viết câu chính xác, linh hoạt; giọng văn chủ yếu là trang trọng, nghiêm túc nhưng cần chú ý thay đổi giọng văn sao cho sinh động thích hợp với nội dung biểu đạt; sử dụng các phép tu từ về từ và về câu một cách hợp lí.