Giá trị mà văn học mang tới cho đời sống là giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mĩ. Trắc nghiệm Online sẽ tóm tắt những kiến thức trọng tâm và hướng dẫn soạn văn chi tiết các câu hỏi của bài. Mời các bạn cùng tham khảo..
A. Kiến thức trọng tâm
1. Giá trị văn học
a) Giá trị nhận thức
- Khái niệm: Khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của con người muốn hiểu biết rõ hơn, sâu hơn cuộc sống sống xung quanh và chính bản thân mình, từ đó tác động vào cuộc sống có hiệu quả hơn
- Biểu hiện:
- Văn học mang tới cho người đọc những nhận thức mới mẻ và sâu rộng về nhiều mặt của cuộc sống trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau
- Văn học giúp cho người đọc hiểu được bản chất của con người nói chung (Mục đích tồn tại của con người là gì? Đâu là tư tưởng tình cảm, khát vọng...)
- Từ hiểu cuộc đời của người khác, người đọc liên hệ với bản thân, so sánh, đối chiếu để hiểu mình với tư cách là con người cá nhân.
b) Giá trị giáo dục
- Khái niệm: Khả năng của văn học tác động tới nhu cầu hướng thiện, sự hình thành nên quan niệm, tư tưởng, tình cảm, đạo đức của con người
- Biểu hiện:
- Đem tới cho người đọc những bài học quý giá về lẽ sống để họ rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn
- Về tư tưởng: Văn học hình thành trong người dọc một lí tưởng tiến bộ, giúp cho họ có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống.
- Về tình cảm: Văn học giúp con người biết yêu ghét đúng đắn, làm cho tâm hồn con người trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn.
- Về đạo đức: Văn học nâng đỡ cho nhân cách của con người phát triển, giúp cho họ biết phân biệt phải - trái, tốt - xấu, đúng - sai
- Cần phân biệt giáo dục trong văn học với nguyên tắc áp đặt của luật pháp hay những lời giáo huấn trực tiếp từ bài giảng đạo đức: văn học giáo dục con người từ đường cảm xúc tới nhận thức.
c) Giá trị thẩm mĩ
- Khái niệm: khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó
- Biểu hiện:
- Nội dung: Vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của đời sống, đặc biệt là vẻ đẹp của con người từ hình thể đến những diễn biến sâu xa của tư tưởng - tình cảm và những hành động gây ấn tượng khó quên với mọi người.
- Hình thức: thủ pháp làm cho hình tượng văn học trở nên sinh động, hấp dẫn, nghệ thuật kết cấu tác phẩm một cách chặt chẽ, hợp lí...
2. Tiếp nhận văn học
a) Tiếp nhận trong đời sống văn học
- Khái niệm: Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp tài nghệ của người nghệ sĩ.
- Tiếp nhận khác với đọc, vì nó là khái niệm rộng hơn. Tiếp nhận không chỉ là đọc mà còn là thưởng thức, suy ngẫm, biến thế giới nghệ thuật trong tác phẩm thành thế giới nghệ thuật sống động trong tâm trí mình.
b) Tính chất tiếp nhận văn học
- Tiếp nhận văn học thực chất là một cuộc quá trình giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận
- Trong quá trình giao tiếp, cần chú ý tới tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận
- Tính đa dạng, không thống nhất trong tiếp nhận văn học: cùng một tác phẩm nhưng cảm thụ và đánh giá của công chúng lại khác nhau. Dù vậy, người đọc cũng cần cố gắng để đạt tới một cách hiểu đúng về tác phẩm để tác phẩm tỏa sáng với đúng giá trị của nó.
c) Các cấp độ tiếp nhận văn học
- Đơn giản nhất, khá phổ biến: cách cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, trực tiếp của tác phẩm. Tức là xem tác phẩm kể chuyện gì, có tình ý gì, các tình tiết ra sao, ...
- Cảm thụ trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm: từ những gì cụ thể, sinh động mà thấy vấn đề đặt ra và cách thức người viết đánh giá, giải quyết vấn đề theo khuynh hướng tư tưởng, tình cảm nào đó.
- Cảm thụ chú ý tới cả nội dung và hình thức: thấy cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của nó. Tức là không chỉ thấy rõ ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm mà còn xem việc đọc là cách để nghĩ, để cảm, để tự đối thoại với mình, với tác giả, suy tư về cuộc đời và tác động tích cực vào cuộc sống.
- Đề làm được điều đó: người đọc phải tự nâng cao trình độ hiểu biết, tiếp nhận văn học chủ động.
B. Bài tập và hướng dẫn giải
Luyện tập
Bài tập 1: trang 191 sgk Ngữ Văn 12 tập hai
Có người cho rằng, giá trị cao quý nhất của văn chương là nuôi dưỡng đời sống tâm hồn con người hay nói như Thạch Lam là "làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Nói như vậy có đúng không? Vì sao?
Bài tập 2: trang 191 sgk Ngữ Văn 12 tập hai
Tự chọn một tác phẩm văn học cụ thể để làm sáng tỏ các giá trị của văn học (hoặc các cấp độ tiếp nhận văn học)
Bài tập 3: trang 191 sgk Ngữ văn 12 tập hai
Thế nào là cảm và hiểu trong tiếp nhận văn học?