Quan sát các hình ảnh dưới đây và trả lời câu hỏi: Theo em, các hình ảnh trên....

  • Bức ảnh 1: Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Hà Nội

Đây là bức tượng đánh dấu những chiến công của những chiến sĩ và nhân dân Hà Nội trong trận chiến lịch sử "60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô". Tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" tái hiện hình ảnh người chiến sĩ ôm bom ba càng với tư thế sẵn sàng lao vào xe tăng địch như minh chứng sự dũng cảm, ý chí quật cường, cảm tử với tinh thần "Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" của đồng bào, chiến sĩ Thủ đô. Sức mạnh, lòng yêu nước của nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước như được hun đúc từ tượng đài cảm tử này.

  • Bức ảnh 2: Người Dao Đỏ ở Lào Cai trong trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ nổi bật với chiếc khăn đội đầu màu đỏ. Chiếc khăn đội đầu này có thể được trang trí với rất nhiều hình thù như vết chân hổ, cây vạn hoa... Trong trang phục truyền thống của người Dao Đỏ, chiếc áo dài là quan trọng nhất. Theo phong tục, phụ nữ Dao Đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Hoa văn trang trí trên quần được thêu tỉ mỉ. Họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ-vàng-trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám...

Trang phục của người Dao Đỏ không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, vui tươi, trong sáng, góp phần tô điểm thêm cho bản sắc riêng vốn có của dân tộc ở Tây bắc.

  • Bức ảnh 3: Điệu múa truyền thống của người Chăm ở Khánh Hòa

Vũ điệu Chăm có nguồn gốc từ lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, hoặc mô phỏng từ những động tác của các loài vật. Vũ điệu Chăm mang nhịp điệu, sắc thái riêng, là di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm.

Múa Chăm là hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu trong lễ hội của người Chăm, vừa tạo không khí lễ hội vừa là lời ước nguyện của dân làng gửi đến trời, đất, thần linh cầu mong cuộc sống no đủ, mùa màng tốt tươi. Điệu múa Chăm phổ biến nhất là múa đội lu, múa chim công, múa gáo dừa... Khi múa đội lu, các thiếu nữ uyển chuyển theo làn điệu nhưng vẫn giữ thăng bằng cho chiếc lu trên đầu. Đó là hình ảnh mô phỏng cô gái Chăm lấy nước bên bờ suối hay dâng nước lên tháp.

  • Bức ảnh 4: Bánh khọt - món ăn truyền thống ở Nam Bộ

Đối với người dân Nam bộ, bánh khọt là món ăn khá quen thuộc và được nhiều người ưa dùng - mỗi chiếc bánh nhỏ có hình tròn vừa đủ cắn làm đôi hoặc một miếng lớn. Loại bánh dân gian này không quá khó để thực hiện và nguyên liệu cũng dễ tìm. Bánh khọt được làm từ bột gạo, bột nghệ, bột mì, nước cốt dừa, trứng gà, đậu xanh hấp bỏ vỏ, hành lá, tỏi, ớt, dầu ăn và một số gia vị khác.

Bánh khọt chín vừa ăn có màu vàng nghệ, có độ giòn và vị ngọt của gạo, vị béo của nước cốt dừa, hương thơm của nghệ và hành lá. Bánh được dùng kèm với các loại rau, nước chấm chua ngọt và thêm ít ớt cay.