1. So với nhiều văn bản được học trước đó, văn bản Trái Đất - cái nôi của sự sống có một số điểm khác biệt về yếu tố cấu tạo và cách triển khai. Những điểm khác biệt có thể nêu lên:
- Văn bản có phần sa-pô được in đậm - một phần thường gặp trong loại văn bản thông tin được đăng tải trên báo chí.
- Văn bản gồm nhiều phần và mỗi phần có một tiêu đề, báo hiệu thông tin chính sẽ được đề cập ở từng phần.
- Văn bản triển khai dựa vào ý tưởng chính được báo hiệu ở nhan để và các phần nối kết với nhau bằng quan hệ nhân quả.
- Văn bản có tranh minh hoạ mang tính thông tin, giúp người đọc hiểu rõ hơn một số nội dung được các phần, đoạn văn nêu lên. Nói chung, những điểm khác biệt nêu trên đã góp phần xác nhận tính đặc thù của văn bản thông tin trong tương quan với văn bản văn học và văn bản nghị luận.
2. Văn bản dành riêng phần 2 (“Vị thần hộ mệnh” của sự sống trên Trái Đất) để nói về sự hiện diện của nước trên Trái Đất. Đây là phần có ý nghĩa quan trọng trong việc làm nổi bật mạch thông tin chính của văn bản, vừa làm sáng tỏ nhan đề văn bản (nếu muốn khẳng định Trái Đất là cái nôi của sự sống thì không thể bỏ qua việc chứng minh Trái Đất có tài nguyên nước dồi dào), vừa xác định hướng triển khai các phần kế tiếp (nói về tính đa dạng của sự sống nhờ có nước và nói về con người với tư cách là “đỉnh cao kì diệu của sự sống”). Như vậy, nếu thiếu phần 2, mối liên kết chặt chẽ giữa các phần và các yếu tố cấu tạo của văn bản sẽ bị phá vỡ.
3. Ông cha ta từng có câu: Người ta là hoa đất. Trong văn bản, phần Con người trên Trái Đất đã cung cấp một bằng chứng thuyết phục để xác nhận tính đúng đắn của điều được đúc kết đó. Quả thật, con người chính là tinh hoa của sự sống, là thành quả tốt đẹp của quá trình sự sống tiến hoá dài lâu. Con người đã tô điểm cho Trái Đất thêm đẹp, là vốn quý nhất mà hành tinh này sở hữu được.
4. Phần cuối của văn bản chứa đựng nỗi lo âu về tình trạng Trái Đất hiện nay. Trước hết, người viết nói tới một số thảm hoạ do “hành động vô ý thức hay bất chấp tất cả của con người” gây ra cho hành tinh này. Tiếp theo, câu hỏi “Trái Đất có thể chịu đựng đến bao giờ?" xoáy sâu vào tình trạng Trái Đất hầu như đã huy động hết khả năng chịu đựng của mình trước những gì đã và đang diễn ra. Rõ ràng, “sức khoẻ” của Trái Đất hiện đang “có vấn đề”. Điều đó cũng có nghĩa là “ngôi nhà chung” mà chúng ta cư ngụ đang đứng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi mọi người phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, không được khoanh tay đứng nhìn.
5. Trái Đất - cái nôi của sự sống là một văn bản thông tin hoàn chỉnh, xét trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Về nội dung, văn bản tập trung đưa tới những thông tin nhằm thuyết phục người đọc rằng Trái Đất hội đủ điều kiện để sự sống nảy sinh, phát triển và sự thực, sự sống đã nảy nở hết sức đa dạng. Bên cạnh đó, văn bản cũng nhằm tới mục tiêu tác động vào độc giả, nâng cao ý thức của mỗi người trước trách nhiệm bảo vệ “ngôi nhà chung”.Về hình thức, văn bản có sự liên kết chặt chẽ giữa các phần, các đoạn và tất cả đều hướng đến làm sáng tỏ chủ để được chính nhan đề Trái Đất - cái nôi của sự sống xác định.