Các yếu tố chính của khí hậu biểu hiện ở những nét đặc trưng nhất của khí hậu Việt Nam là chế độ nhiệt, chế độ gió và chế độ mưa. Mỗi yếu tố này có đặc điểm như thế nào thì chúng ta cùng tìm hiểu bài học này..

1. Chế độ nhiệt

  • Khí hậu nước ta có nền nhiệt độ cao, nhiệt độ trung bình năm trên cả nước > 20⁰C, trừ các khu vực vùng núi cao.
  • Nhiệt độ giảm dần từ Nam ra Bắc (giảm 0,35⁰C/1⁰ vĩ tuyến)
  • Vào mùa đông, sự khác biệt về nhiệt độ giữa 2 miền rõ rệt, Hà nội lạnh hơn TP HCM.
  • Vào mùa hạ, nhiệt độ gần như đồng đều trên khắp cả nước.
  • Xét về biên độ nhiệt thì nơi nào chịu tác động của gió mùa Đông Bắc sẽ có biên độ nhiệt cao hơn, nên biên độ nhiệt ở ngoài miền Bắc lớn hơn miền Nam.
  • Nhiệt độ phân hóa theo vĩ độ và theo độ cao.

2. Chế độ gió

a. Mùa đông

  • Từ tháng 10 đến tháng 3 có sự thống nhất về hướng gió (gió Đông Bắc) của 2 luồng gió mùa mùa đông: gió mùa cực đới từ áp cap Xibia và gió mùa từ áp cao biển Đông Trung Hoa.
  • Vào tháng 3 và tháng 4 là thời kì chuyển gió từ mùa đông sang mùa hạ. Thời kì này có sự gặp nhau giữa gió mùa Đông Bắc và gió Mậu dịch Đông Nam, giữa gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam vịnh Bengan.

b. Mùa hạ

  • Từ tháng 5 đến tháng 9, gió mùa Tây Nam từ bán cầu Nam đã hoạt động thường xuyên. Mỗi khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên sẽ đẩy đường hội tụ nhiệt đới đi lên phía bắc, còn bình thường nó vẫn ở phía Nam. Do vậy, miền Nam nước ta gió mùa hạ thường đến sớm và kết thúc muộn hơn so với miền Bắc.
  • Tháng 10 và tháng 11 là thời kì chuyển gió từ mùa hạ sang mùa đông, đôi khi có sự xuất hiện của gió mùa Đông Bắc sớm.

3. Chế độ mưa

  • Nước ta có lượng mưa khá lớn, trung bình > 1500mm, các khu vực núi cao tới 2000 - 3000mm.
  • Số ngày mưa ở nước ta nhiều, trung bình trên 100 ngày, có nơi mưa nhiều lên tới 150 ngày, đặc biệt ở Hòn Ba lên tới 250 ngày.
  • Ở miền trung du, miền núi hay có mưa đá. Ngoài ra còn có tuyết rơi ở một số khu vực núi cao trên 1500m ở miền Bắc vào mùa đông, đặc biệt các đợt gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh.
  • Mưa theo mùa: mùa khô ít mưa, có tháng không mưa; mùa mưa thì lượng mưa chiếm tới 80 - 85% lượng mưa cả năm.

4. Bão

  • Bão là một dạng thời tiết đặc biệt và nguy hiểm vì nó là một dạng nhiễu động rất mạnh của hoàn lưu khí quyển gây mưa to, gió lớn có sưc tàn phá mạnh trên diện rộng.
  • Bão ở nước ta thường được phát sinh từ khu vực biển Đông (chiếm 40% tổng số cơn bão) và vùng biển phía Tây Thái Bình Dương (chiếm 60% tổng số cơn bão).
  • Các cơn bão được hình thành trên vùng biển nóng, có độ ẩm cao và tình trạng bất ổn định của khí quyển nên thường xảy ra vào mùa hạ và đã trở thành quy luật mùa. Bão ở nước ta thường kéo dài từ tháng 5 -12 và xuất hiện sớm ở khu vực phía Bắc, chậm dần đối với phía Nam. Trung bình hàng năm có từ 3 đến 4 cơn bão.
  • Bão ở nước ta có phạm vi ảnh hưởng khá rộng. Mỗi khi có bão đổ bộ vào đất liền tốc độ gió đã giảm đi rõ rệt và tan dần. Bão có sức tàn phá mạnh và mưa lớn nên hay gây ra những thiệt hại lớn.