Bài viết tập làm văn số 5 - ngữ văn 12 đề 3: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La-bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Sau đây, tracnghiem.vn gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo. .
[toc:ul]
Dàn ý chung
1. Mở bài: Giới thiệu ý kiến của La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
- “Nâng cao tinh thần”, “gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm”: giúp phát triển đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn và bồi đắp bản lĩnh sống.
- “Cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”: chỉ tác phẩm có giá trị đích thực.
b. Bàn luận:
- Tiêu chí đánh giá một tác phẩm hay là giá trị giáo dục của tác phẩm đó.
- Giáo dục là một trong ba tác dụng lớn nhất của văn chương chân chính, bên cạnh tác dụng thẩm mĩ và nhận thức.
- Tác dụng giáo dục to lớn của văn chương đối với con người: “nâng cao tinh thần”, “gợi tình cảm cao quý và can đảm”. (Lấy dẫn chứng chứng minh)
- Để đạt hiệu quả giáo dục cao, tác phẩm văn chương phải có hình thức thẩm mĩ hấp dẫn, lôi cuốn, lay động người đọc.
- Mở rộng: Ý kiến trên vô hình chung nhắc nhở trách nhiệm của người cầm bút và sự tỉnh táo, thông minh của người đọc trong việc chọn lựa tác phẩm văn học.
3. Kết bài: Khẳng định tính đúng đắn và ý nghĩa của ý kiến trên.
Bài mẫu 1: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La-bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta...
Bài làm
Có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn về cách đánh giá giá trị của văn chương. Có người chú trọng nghệ thuật, có người chú trọng nội dung. Nhà văn Pháp La Bơ -ruy -e cũng đã đưa ra được một cách đánh giá giá trị tác phẩm văn học của mình. Ông viết " Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và cân đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay do một nghệ sĩ viết ra"
Đúng vậy! Nhà văn La Bơ-ruy-e cũng bày tỏ ý kiến về cách đánh giá một tác phẩm văn chương và một nghệ sĩ chân chính. Theo ông, tác phẩm nào có ảnh hưởng lớn lao tới đời sống tinh thần của con người theo chiều hướng tích cực thì đó là một cuốn sách hay, đích thực là văn chương và người viết ra nó xứng đáng được gọi là nghệ sĩ. Câu nói của nhà văn Pháp Labơ ruy e có ý khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học viết ra có nhiều người đọc thưởng thức, không phải ai cũng thấy được tác phẩm này hay vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Bỏ qua những nguyên tắc đánh giá một tác phẩm giá trị hay không, chúng ta chỉ cần biết rằng đó là một tác phẩm khiến cho tinh thần ta được nâng cao và gợi lên cho ta những tình cảm cao quý thì nó là một tác phẩm giá trị do một người nghệ sĩ tài ba viết ra. Bởi khi ấy, nó có giá trị tinh thần vô cùng lớn đối với ta rồi.
Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm, cảm xúc. Nó mang tạt cho con người những rung cảm sâu xa trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, trước cuộc sống phong phú, đa dạng muôn màu muôn vẻ và nhất là trước chiều sâu của thế giới tâm hồn. Mục đích trước tiên và quan trọng của văn học là giúp con người đối chiếu, liên tưởng, suy ngẫm về cuộc đời và về chính bản thân, nâng cao niềm tin vào bản thân để từ đó có nhận thức đúng đắn hơn, có khát vọng hướng tới chân lí, dám đấu tranh chống cái xấu, cái ác; biết tìm tòi và hướng tới cái Đẹp, cái Thiện của cuộc sống. Đó chính là văn học chân chính có khả năng cảm hóa, nhân đạo hóa, xứng đáng là bạn tốt của con người. Tư tưởng này của ông gần giống với tư tưởng của hai nhà văn, hai nhà hiện thực văn học lớn của Việt Nam là Thạch Lam và Nam Cao. Thạch Lam cho rằng: Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại, văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn. Còn Nam Cao đã thông qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa để bày tỏ quan điểm của mình về tác phẩm văn chương, về nhà văn chân chính. Là một nhà văn, Hộ từng ấp ủ một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương của mình. Anh mong ước sẽ sáng tạo ra những tác phẩm thật sự có giả trị, vượt lên tất cà bờ cõi và giới hạn. Quan điểm về văn chương của Hộ cũng hết sức tiến bộ : Một tác phẩm văn chương đích thực phải chứa đựng được một cải gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Nhà văn phải là những người nghệ sĩ vừa có tâm vừa có tài, trong sáng tác phải tạo cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn riêng không thể lẫn với bất cứ ai khác; vì: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có (Nam Cao).
Chúng ta có thể thâý có những tác phẩm được coi là kinh điển, hay những tác phẩm mang giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật to lớn- những tác phẩm ấy không viết về những cái cao siêu, mà chỉ đơn thuần viết những cái gì giản đơn, thân thuộc gần gũi với con người. Bởi những cái đó, nó gắn bó với cuộc sống của con người, khiến người đọc như cảm nhận được mình trong chính tác phẩm, thấy tiếng lòng của mình được nói ra. Ví dụ như tác phẩm hai đứa trẻ trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam ngày nào cũng ngồi đợi chuyến tàu đêm. Hay tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân kể về anh cu Tràng nhặt được vợ giữa ngày đói, rồi tác phẩm Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm văn học thế giới kinh điển cũng đã chững minh điều này ví dụ như bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô là bài ca tuyệt vời về tình thương yêu con người, về đức vị tha, hi sinh đến quên mình. Nhân vật Giăng Van-giăng là “nhân vật tư tưởng” tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn. Người thợ làm vườn nghèo khổ này vì thương đàn cháu mồ côi nheo nhóc, đói khát nên đã liều đập vỡ cửa kính tiệm bán bánh mì để lấy cắp một ổ bánh. Bị kết án khổ sai, Giăng Van-giăng mấy lần tìm cách vượt ngục nhưng không thành nên thời gian ngồi tù cứ kéo dài ra mãi. Sau khi được trả tự do, vì hoàn cảnh ngặt nghèo, Giăng Van-giăng lại phạm tội cướp đồng xu của một đứa trẻ và lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc của giám mục Mi-ri-en. Sự độ lượng và lòng bác ái của vị giám mục nhân từ đã cứu Giăng Van-giăng thoát vòng lao lí và nó tác động rất lớn tới tư tưởng, tình cảm của con người tội nghiệp này. Nó đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi cuộc sống và tính cách của Giăng Van-giăng...
Như vậy, ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ -ruy -e hoàn toàn đúng, góp phần trong việc khẳng định vai trò quan trọng của chức năng giáo dục trong văn chương và nêu lên cách đánh giá đúng đắn về – tài năng người nghệ sĩ. Văn chương đem lại cho con người những giá trị tinh thần cao quý, giúp con người hướng tới Chân, Thiện, Mĩ trong cuộc sống. Những tác phẩm văn học có giá trị nội dung, tư tưởng ; giá trị nghệ thuật cao sẽ vượt qua thử thách khắc nghiệt của dư luận, của thời gian, không gian để trở thành kiệt tác muôn đời của nhân loại. Đúng như La Bơ-ruy-e khẳng định: …đó là một cuốn sách hay và người viết ra nó xứng đáng là một nghệ sĩ đích thực.
Bài mẫu 2: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La-bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta...
Bài làm
Để đánh giá một cuốn sách, một tác phẩm là hay hay không hay thì người ta thường dựa vào khá nhiều quy chuẩn. Tuy nhiên, nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e lại cho rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Câu nói của ông cho thấy ông đề cao cái mà một tác phẩm mang đến cho con người về mặt tâm hồn hơn là dựa theo những nguyên tắc có sẵn.
Ngoài cái nguyên tắc chung chẳng hạn như việc đánh giá về cách lựa chọn đề tài của tác giả, cách tác giả thể hiện đề tài đó, cách dùng ngôn từ,… mỗi người sẽ có cách đánh giá riêng của mình. Cùng là một tác phẩm nhưng có người cho rằng tác phẩm đó hay, có người lại cho rằng tác phẩm đó không hay. Vì sao vậy? Đó là bởi cảm nhận của mỗi người cho từng tác phẩm là khác nhau. Đối với người này, đề tài này có thể là cũ và không có gì hấp dẫn. Thế nhưng với người khác thì dù đề tài cũ nhưng lại được thể hiện theo một cách mới mẻ và chạm vào trái tim của họ. Vậy thì không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa vì nó là một cuốn sách hay. Một cuốn sách hay không nằm ở sự chuẩn mực của nguyên tắc. Một cuốn sách hay là một cuốn sách chạm đến trái tim của độc giả.
Một ví dụ điển hình là tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Nếu xét theo những nguyên tắc thì có lẽ đây chỉ là một tác phẩm bình thường bởi tác phẩm không có cốt truyện đặc biệt. Chỉ đơn giản là một câu chuyện về hai chị em An và Liên ở một phố huyện nghèo. Nhưng vì sao tác phẩm vẫn được đưa vào trong chương trình học phổ thông để giáo dục tuổi trẻ? Ấy lại bởi tác phẩm với một giọng điệu ngọt ngào đã đưa được người đọc trở lại cuộc sống tuổi thơ của mình. Khi ấy, họ cũng hồn nhiên giống như hai chị em An và Liên. Những năm tháng ấy dẫu cuộc sống có nghèo đói, có khốn khó tới đâu thì con người vẫn có niềm tin vào cuộc sống, vẫn có khát khao về một tương lai tươi sáng. Tác phẩm đã chạm tới tâm hồn người đọc là ở chỗ đó. Vậy thì đâu cần đến những bài phê bình mới nhận ra rằng đó là một tác phẩm hay.
Nam Cao cũng có một tác phẩm vô cùng nổi tiếng đó chính là Chí Phèo. Nhắc đến Chí Phèo là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một tên du côn mặt đầy vết sẹo do chính hắn tự rạch, trên tay lúc nào cũng lăm lăm chai rượu, miệng thì liên tục chửi bới. Nhưng có phải Nam Cao viết Chí Phèo là để kể về cuộc đời của hắn không? Đúng là có kể nhưng thông qua cuộc đời Chí, nhà văn muốn nói đến cái sâu xa về vấn đề người nông dân sống trong xã hội cũ bị chà đạp, bị áp bức. Độc giả sau khi đọc xong đều cảm nhận được, đều hiểu được vấn đề ấy, hiểu hơn về xã hội ấy. Vậy là Nam Cao đã thành công trong việc xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo.
Hay như thơ Xuân Quỳnh, bà lại thể hiện được sự khát vọng trong tình yêu đôi lứa. Người ta thấy được sự tinh tế của Xuân Quỳnh khi dùng những hình ảnh gần gũi và giản dị để nói về tình yêu. Chẳng hạn như mượn sóng để nói về tâm trạng của con người khi yêu, mượn thuyền và biển để nói về sự khăng khít của con người khi yêu. Tình yêu nào phải cái gì xa xôi, nào phải cái gì to lớn, đó đơn giản là cảm xúc của người và người. Người đọc cũng qua cái chân thành ấy mà yêu những tác phẩm của bà.
Tất nhiên ở mỗi tác phẩm vẫn chẳng thể nào tránh được những ý kiến khen chê trái chiều. Thậm chí có những tác phẩm chúng ta cho là hay nhưng lại gặp nhiều sự phản đối. Trước đây, Truyện Kiều của Nguyễn Du bị người đời chê bai cho rằng Thúy Kiều là kẻ tà dâm và không đáng được yêu thương. Rồi thì thơ Hồ Xuân Hương thể hiện khát khao được yêu của người phụ nữ cũng bị cho là dâm và tục. Tác phẩm Tây Tiến của nhà văn Quang Dũng cũng đã có một thời gian bị cấm lưu hành vì cho rằng mộng rớt buồn rơi. Tất cả những ý kiến trái chiều đó là do quan điểm của xã hội thời ấy. Họ có những chuẩn mực đạo đức và lối sống riêng nên cứ áp vào đó mà quy chiếu. Những cái gì vượt ra khỏi quy chuẩn sẽ bị bác bỏ.
Giờ đây, chúng ta đã nhìn nhận tác phẩm với một cái nhìn nhân văn hơn. Bởi chúng ta cảm nhận được cái sâu xa mà tác giả muốn nói đến trong các tác phẩm của mình. Chúng ta thấy được giá trị mà tác phẩm đó mang lại cho mỗi người.
Đến đây, một lần nữa có thể khẳng định câu nói của nhà văn Pháp Bơ-ruy-e là hoàn toàn đúng. Hãy cứ đọc tác phẩm và cảm nhận nó bằng trái tim của chính mình. Mặc kệ ai nói gì, chỉ cần ta thấy hay thì nó là hay. Vậy là đủ.
Bài mẫu 3: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La-bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta...
Bài làm
Có thể nói văn chương giống như một bản nhạc mà trong đó những câu chữ là lời bài hát, giọng điệu là giai điệu, cũng có thể nói văn chương giống như một bức họa lớn mà ở đó con người thấy được cảnh sống của mình, của mọi người xung quanh mình. Những bài hát ấy, những bức họa ấy sẽ có giá trị lớn đối với tinh thần của chúng ta. Nói về văn chương, nhà văn Pháp La bơ ruy e cũng từng nhận định rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.
Khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học mà tác phẩm văn học đó nâng tinh thần ta lên cao, đồng thời nó gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm thì chẳng cần phải dùng nguyên tắc đánh giá nào để đánh giá tác phẩm đó nữa mà chắc chắn đó là một tác phẩm hay, một cuốn sách hay được một tác nghệ sĩ viết ra. Câu nói của nhà văn Pháp Labơ ruy e có ý khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học viết ra có nhiều người đọc thưởng thức, không phải ai cũng thấy được tác phẩm này hay vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Bỏ qua những nguyên tắc đánh giá một tác phẩm giá trị hay không, chúng ta chỉ cần biết rằng đó là một tác phẩm khiến cho tinh thần ta được nâng cao và gợi lên cho ta những tình cảm cao quý thì nó là một tác phẩm giá trị do một người nghệ sĩ tài ba viết ra. Bởi khi ấy, nó có giá trị tinh thần vô cùng lớn đối với ta rồi.
Ví dụ như khi đọc tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam hẳn những người luôn hoài niệm về quá khứ sẽ cảm thấy thích thú và say sưa với áng văn mềm mại và nhẹ nhàng như một bài thơ trữ tình của tác giả này. Chúng ta như được trở về tuổi thơ cùng hai nhân vật An và Liên. Cảnh phố huyện nghèo gợi cho ta nhớ về những ngày tháng xa xưa cùng với cha mẹ, gợi đến những miền quê còn nghèo, còn đói nhưng lại luôn thắm đẫm tình thương yêu và lấp lánh một niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Tác phẩm nâng tâm hồn của ta lên và giúp ta được sống trong những khoảnh khắc thân thương cùng những khung cảnh đơn sơ mộc mạc nhất. Chẳng phải đọc bất cứ một bài phê bình nào về tác phẩm này, cũng chẳng cần nghe nhận định của các tác giả khác, ta thấy được giá trị của tác phẩm đối với chính ta.
Hay tác phẩm Chữ người tử từ của Nguyễn Tuân. Một nền nghệ thuật, những thú vui nho nhã của những bậc thi nhân nay chỉ còn là thứ vang bóng một thời được tái hiện qua tác phẩm. Ở đó người đọc học được sự gan dạ và khí phách hiên ngang của người anh hùng tử tù Huấn Cao, tác phẩm khiến cho ta yêu cái đẹp và nhận thấy được sức mạnh của cái đẹp khiến cho con người gắn kết lại với nhau hơn.
Xuân Diệu viết Vội Vàng với tất cả những tình cảm yêu thương cuộc đời tha thiết. Ông muốn ôm lấy cả sự sống mà cắn mà xiết cho thõa mãn sự yêu thương ấy. Những sự vật hiện tượng, những hình ảnh quá đỗi quen thuộc được nhà thơ tái hiện thành một bức tranh thiên đường trên mặt đất, người ta thấy ở đó sự sinh sôi nảy nở, thấy được ở đó hương vị của cuộc sống. Bài thơ giúp cho con người ta thêm yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên này. Vậy chẳng có cớ gì mà chê bai bài thơ cả. Và phải nói Xuân Diệu quả là một người nghệ sĩ tài ba khi làm nên một bài thơ như vậy.
Một tác phẩm ra đời không tránh được khỏi sự yêu thích hay chê bai. Truyện kiều của Nguyễn Du là một điển hình. Người ta vẫn so sánh Truyện Kiều Việt Nam với Kim Vân kiều truyện của Trung Quốc. Hay tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng từng bị cấm vì coi là mộng rớt buồn rơi. Thế nhưng ở những tác phẩm đó ta thấy được giá trị về tinh thần, về con người, về nhân tình thế thái. Chỉ cần nó hay với ta tức là nó có giá trị với ta rồi.
Như vậy qua đây có thể khẳng định rằng ý kiến của nhà văn Pháp vô cùng đúng đắn. Một tác phẩm khi ra đời còn phụ thuộc vào nhiêu yếu tố. Sức sống của nó không được quyết định bằng tác giả mà quyền quyết định chính là của đa số người tiếp nhận. một tác phẩm có thể hay với người này cũng có thể không hay với người khác. Vì thế chỉ cần ta thấy được những điều tốt đẹp trong một tác phẩm, học được ở đó những thứ quý giá thì khi ấy tác phẩm đã có giá trị với ta rồi.