Xưa nay, chữ tín luôn là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội. Từ thực tiễn cuộc sống, ông cha ta đúc rút rằng: có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin thì có khi trắng tay vì chẳng mấy ai còn muốn đến với ta. Để có thể hiểu sâu sắc giá trị của chữ tín, mời các bạn đến với bài học "giữ chữ tín"..
A. Kiến thức trọng tâm
I. Đặt vấn đề:
Gợi ý trả lời câu hỏi:
a. Muốn giữ được lòng tin của mọi người đối với mình thì mỗi người chúng ta cần phải làm gì?
Muốn giữ được lòng tin của mọi người đối với mình thì mỗi chúng ta cần phải thực hiện tốt chức trách và trách nhiệm của mình, giữ đúng lời hứa, đúng hẹn trong các mối quan hệ với mọi người ( nói và làm luôn luôn phải song hành cùng nhau).
b. Có ý kiến cho rằng: giữ chữ tín chỉ là giữ lời hứa. Em có đồng tình với ý kiến đó không? Vì sao?
Giữ lời hứa chỉ là một trong những biểu hiện rõ nhất mà ai cũng có thể nhận thấy được của giữ chữ tín. Bản chất, giữ chữ tín không chỉ là giữ lời hứa mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm và quyết tâm của mình khi thực hiện lời hứa ( chất lượng, hiệu quả và sự tin cậy của mọi người…) trong công việc, quan hệ xã hội và quan hệ hợp tác kinh doanh.
II. Nội dung bài học.
* Khái niệm: giữ chữ tín là coi tọng lòng tin của mọi người đối với mình, biết trọng lời hứa và biết tin tưởng.
* Ý nghĩa: Nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của người khác đối với mình, giúp mọi người đoàn kết và dễ dàng hợp tác với nhau.
* Cách rèn luyện: Cần làm tốt chức trách và nhiệm vụ của mình, giữ đúng lời hứa, đúng hẹn.
B. Bài tập và hướng dẫn giải
Câu 1: Trong những tình huống sau, theo em, tình huống nào biểu hiện hành vi giữ chữ tín (hoặc không giữ chữ tín) và giải thích tại sao?
a) Minh hứa với bố mẹ Quang và cô giáo chủ nghiệm là sẽ cố gắng giúp đỡ Quang học tập tiến bộ. Vì thế, những bài tập nào Quang không làm được thì Minh đều làm hộ và đưa cho Quang chép.
b) Bố Trung hứa đến sinh nhật Trung sẽ đưa em đi chơi công viên, nhưng vì phải đi công tác đột xuất nên bố không thực hiện được lời hứa của mình.
c) Nam cho rằng, nếu có khuyết điểm thì thật thà nhận lỗi và cứ hứa sửa chữa, còn làm được đến đâu lại là chuyện khác.
d) Vì không muốn làm mất lòng người khác, nên ông Vĩnh – giám đốc một công ti thường nhận lời, động viên, an ủi và hứa sẽ giúp đỡ khi họ đến nhờ, mặc dù ông biết rằng việc đó ông không thể làm được.
e) Lan mượn Trang cuốn sách và hứa hai hôm sau sẽ trả, nhưng vì chưa đọc xong nên Lan cho rằng, cứ giữ lại khi nào đọc xong thì trả cho Trang cũng được.
f) Phương bị ốm đã mấy ngày, không đi học được. Nga hứa với cô giáo sẽ sang nhà giúp Phương học tập, nhưng vì mải xem bộ phim hay trên truyền hình nên Nga quên mất.
Câu 2: Em hãy kể một vài ví dụ về biểu hiện của hành vi giữ chữ tín hoặc không giữ chữ tín mà em biết?
Câu 3: Theo em, học sinh muốn giữ chữ tín cần phải làm gì?
Câu 4: Em hãy sưu tầm một số câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn nói về việc giữ chữ tín?