Đề bài: Viết văn nghị luận về văn học và tình thương.

M.Gooky nói “Văn học là nhân học”. Hành trình của văn học là hành trình đi từ trái tim người sáng tác đến trái tim độc giả. Tình thương là đạo lý sức mạnh của mọi dân tộc trên thế giới. Vậy nên, mang trong mình sứ mệnh cao cả là vì con người, văn học luôn gắn bó với tình thương.

Văn học là một bộ môn nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để tái hiện đời sống. Qua văn học, người cầm bút thể hiện quan niệm, tư tưởng và gửi gắm tình cảm với con người, với cuộc đời. Tình yêu thương có thể ví như linh hồn của văn học, nó chứa đựng trong các cung bậc khác nhau. Tình thương là tình cảm giữa người với người. Đó là sự yêu mến, trân trọng, xót xa, đồng cảm. Nó xuất phát từ tấm lòng nhân ái và trái tim mỗi con người, hướng thiện và nhân đạo, nhân văn. Tình thương là sợi chỉ gắn kết cả cộng đồng, là thứ không thế thiếu với mỗi người.

Văn học và tình thương có mối quan hệ vô cùng sâu sắc. Trước kia, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định nguồn gốc của văn chương là lòng thương người và “văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có. Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân nhờ có văn chương mà trở lên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”. Các tác phẩm văn chương thường khơi gợi tình thương từ tận trái tim con người.

Biểu hiện rõ nét nhất của tình thương trong văn học là lòng nhân ái. Văn học thể hiện phong phú các cung bậc tình cảm của con người. Khởi nguồn là tình cảm gia đình – tình cảm mà bất kì ai cũng có. Đó là tấm lòng yêu thương vô bờ bến, sự hi sinh thầm lặng của mẹ cha như tình cảm của cậu bé Hồng và mẹ trong tác phẩm “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng. Tình yêu thương con đã chiến thắng những lời bàn tán, chỉ trích, những hủ tục của xã hội cũ để người phủ nữ tha hương càu thực tìm về với con, ôm con trong vòng tay. Văn học từ đó cũng tái hiện và ngợi ca, nhắc nhở tình cảm, bổn phận của người làm con. Đó là tình yêu, sự kính trọng và biết ơn công lao trời biển của cha mẹ, như cậu bé Hồng đã bỏ ngoài tai lời mỉa mai khích bác của bà cô để giữ trọn tình yêu với mẹ, Hay trong ca dao từ bao đời vẫn nói:

 “Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Bên cạnh đó, văn học còn giúp ta cảm nhận được tình nghĩa vợ chồng thiết tha sâu nặng như vợ chồng chị Dậu trong “Tắt đèn” – Ngô Tất Tố. Và cả tình anh em cảm động như câu chuyện của hai anh em trong “Cuộc chia tay của những con búp bê” - Khánh Hoài.

Ngoài tình cảm gia đình gắn bó ruột thịt ấy, văn học còn truyền tải cả tình thương giữ những người không cùng máu mủ. Họ là hàng xóm láng giềng, là thầy trò bè bạn, là người lạ, là đồng bào, thậm chí là kẻ địch. Trong cuộc sống, người ta nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Những khi tắt lửa tối đèn, khó khăn vất vả, hàng óm sẽ giúp đỡ lẫn nhau như ông giáo và lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – “Lão Hạc” hay bà lão láng giềng với gia đìh chị Dậu trong “Tắt đèn”. Từ gia đình, xóm làng đến trường học và xã hội, tình yêu thương luôn bao trùm rộng rãi. Dĩ nhiên văn học không bỏ quên ở những khía cạnh khác của tình thương. Đến với văn học, ta dược chứng kiến bao câu chuyện cảm động về tình đồng nghiệp thầy trò, bạn bè mà điển hình là tình cảm giữa ba người họa sĩ, Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ men trong “Chiếc lá cuối cùng” của Ô-Hen-ri. Giôn-xi bị bệnh và gần như từ bỏ khát vọng sống, nhưng Xiu và cụ Bơ men luôn ở bên chăm sóc cô, cụ Bơ men đã hi sinh cả tính mạng vẽ chiếc lá lên tường để giữ lại mạng sống đem hi vọng cho Giôn-xi.

Tình cảm yêu thương mạnh lẽ và sâu rộng nhất trong văn học có lẽ là tình yêu giữa con người với con người, giữa những thế hệ trong một đất nước. Điển hình là tình yêu quê hương đất nước. Nhiều năm về sau, nhân dân ta vẫn không thôi tự hào về truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” rằng 54 dân tộc anh em đều sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Vậy nên:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Chúng ta không thế nào quên khúc tráng ca bi thương mà anh dũng trong “Đại Cáo Bình Ngô” – Nguyễn Trãi, hay “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Đó là khúc ca về tinh thần đoàn kết, sức mạnh yêu thương của cả một cộng đồng người để vượt lên đau thương giành chiến thắng. Tình thương còn bao trùm giữa người với người. Văn học đã tái hiện bao câu chuyện yêu thương tình nghĩa giữa những người xa lạ. Câu chuyện về những người ăn xin đã thể hiện rõ nét tình cảm đáng trân trọng ấy. Hay “Chi Phèo” với tình cảm của Thị Nở cho kẻ xa lạ, đáng sợ mà ai ai cũng né tránh – Chí Phèo với bát cháo hành nghi ngút vẫn luôn tỏa mãi hương vị của lòng nhân ái, của tình cảm sẻ chia.

Chín từ việc thể hiện những tình cảm quý giá tốt đẹp ấy văn học truyền cho ta tình yêu thương vô tận. Chúng ta biết yêu thương và đồng cảm với những số phận bất hạnh không trọn vẹn, lòng nhân ái trở nên sâu sắc hoàn thiện hơn. Đồng thời văn học còn phê phán lên án những kẻ thờ ơ nhẫn tâm chà đạp lên cuộc đời con người. Dẫn chứng là bà cô của bé Hồng, người thân trong gia đình nhưng luôn rắp tâm gieo rắc những điều tanh bẩn vào tâm hồn cháu. Hay người cha nghiện ngập trong “Cô bé bán diêm” – An-đéc-xen, thậm chí là cả xã hội trong câu chuyện cổ tích đó và trong  “Chí Phèo” đã thờ ơ, vô nhân đạo với những số phận.

Qua tác phẩm này hay tác phẩm khác, dù là thơ, kịch, truyện ngắn hay tiểu thuyết, văn học luôn thực hiện sứ mệnh của mình với tình thương. Văn học như sợi chỉ nối liền yêu thương với cuộc sống hiện thực, hoàn thiện những trái tim và hướng tới chân trời “chân-thiện-mĩ”. Giống như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

."Còn gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau”

Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho mỗi tác phẩm đồng thời giúp con người vươn tới chân – thiện – mĩ, hoàn thiện nhân phẩm và nhân cách con người. Và ở bất kì thời đại nào, giá trị lớn lao nhất của văn chương vẫn là “gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.