Viết bài văn với nhan đề: đôi chân và con đường.
Cuộc đời mỗi con người là một hành trình dài rộng với muôn nẻo đường đi. Mỗi người lựa chọn cho mình một hướng đi và cách đi riêng. Có người đi nhanh, có người đi chậm, cũng có người chần chừ mà dừng lại. Song, bạn có bao giờ nghĩ tại sao chúng ta sinh ra lại có một đôi chân? Bạn có bao giờ tự hỏi về đôi chân và con đường?
Chúng ta sinh ra trong yêu thương và mong chờ của cha mẹ. Có người may mắn có được cơ thể trọn vẹn có đủ đôi chân, cũng có những người kém may mắn, sinh ra mà không được như những người bình thường khác. Họ khuyết đi 1 chân, dị tật chân, thậm chí không có được đôi chân của chính mình. Nhưng đôi chân không nhất định phải là đôi chân mà chúng ta có thể trông thấy. Đôi chân ấy có thể còn là sức mạnh biểu tượng khác nữa.
Đôi chân là điểm tựa nâng bước chúng ta từ những bước tập tễnh đầu tiên trong cuộc đời. Đó là những ngày tập nói, tập đi, đi một bước lại loạng choạng ngã một bước, trên con đường đầu tiên của chúng ta. Và con đường dẫn đến chân trời tri thức đầu tiên vào ngày đầu tiên đi học.
"Ngày đầu tiên đi học,
mẹ dắt em đến trường
em vừa đi vừa khóc
mẹ dỗ dành yêu thương"
(Ngày đầu tiên đi học).
Đôi chân ấy đưa ta bước đi trên rất nhiều con đường sau này, không chỉ là con đường đến trường quen thuộc mà còn là những con đường dẫn đến nhiều nơi khác, giúp chúng ta gặp được nhiều người khác. Chỉ khác là những ngày còn ở bên cạnh cha mẹ, mỗi bước vấp ngã đều được đỡ nâng và chở che. Đến khi thực sự phải bước đi một mình, chúng ta lại bắt buộc phải đứng dậy từ vấp ngã của chính mình.
Cuộc sống này đâu chỉ có một con đường mòn, có những con đường chúng ta đã quá quen thuộc, cũng có những con đường chúng ta không thể nào đoán trước điểm dừng. Có những con đường bằng phẳng dễ đi, lại có vô số con đường gập ghềnh sỏi đá. Nhưng không có con đường nào ngập tràn màu hồng, ngay cả trên “Đường đến ngày vinh quang” nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập cũng nói “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.”
Bước trên những con đường chông gai, đôi chân không tránh khỏi những mỏi mệt và rướm máu. Đôi chân chính vì thế chính là ý chí, nghị lực, là tri thức chúng ta tích lũy được để vượt qua những chông gai – những khó khăn và thử thách trên đường đời, trong cuộc sống. Những bài tập khó, những sáng sớm thức dậy chẳng muốn đến trường, những trò chơi hấp dẫn chính là những chông gai trên con đường học tập. Không ai có thể giúp ta vượt qua ngoại trừ vượt lên nó bằng ý chí quyết tâm, kiên định của chính mình.
Những nhà khoa học vĩ đại như Ê – đin – sơn cũng không ít lần vấp ngã, thất bại mới phát minh ra những sáng kiến vĩ đại, trở thành niềm kính trọng của cả nhân loại. Những bạn trẻ khuyết tật vẫn vinh quang chiến thắng những cuộc thi mang tầm quốc tế. Họ không dựa vào thứ nào khác ngoài đôi chân của chính họ - bản lĩnh và năng lực của chính họ.
Đôi chân của chúng ta có thể đưa chúng ta đi đến muôn nơi, bước đi trên con đường trưởng thành, con đường yêu thương và hoàn thiện bản thân. Một người bình thường có thể mang chút ích kỉ cá nhân, nhưng khi xách ba lô lên và đi đến những vùng sâu vùng xa, nơi có những con người kém may mắn hơn mình, họ chắc chắn sẽ biết yêu thương và trân trọng cuộc sống hiện tại của bản thân nhiều hơn.
Càng đi xa, càng đi nhiều, đôi chân của chúng ta càng thêm cứng rắn, không dễ dàng bị thương bởi sỏi đá dọc đường đi nữa. Ví như khi vấp ngã một lần rồi, thất bại một lần rồi chúng ta sẽ rút ra kinh nghiệm, tránh đi chỗ đã vấp ngã ngày xưa, từng bước đi đến thành công.
Mỗi con đường xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta đều dẫn đến một cánh cửa, một điểm đến thú vị, giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống này. Và không có gì ý nghĩa bằng việc tự bước đi bằng hai chân của mình, đôi khi cần nắm bắt cơ hội để bước đi thuận lợi hơn. Nhưng hãy kiên trì và quyết tâm, dũng cảm vượt qua mọi chông gai, hi vọng vào tương lai và trân trọng hiện tại. Những điều tốt đẹp nhất định sẽ đến.