Từ diến biến tâm lý của lão Hạc trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao hãy làm rõ vẻ đẹp con người dưới xã hội cũ. .

Ai đó đã từng nói: “Văn chương có hai loại, một loại đáng thờ và một loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chú ở con người”. Loại văn chương đáng tôn thờ đó có thể nói chính là ngòi bút của Nam Cao được bộc lộ qua diễn biến tâm lý lão Hạc trong tác phẩm “Lão Hạc”.

Lão hạc là người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai cũng vì nghèo không đủ tiền cưới vợ nên bỏ đi làm ở đồn điền cao su. Một mình lão sống trong căn nhà có mảnh vườn vợ để lại cho con trai, lão có một con chó cũng là tín vật do con trai để lại, lão đã âu yếm gọi nó là cậu Vàng. Nam Cao khi viết về lão hạc như đã gửi gắm hồn mình trong đó, đã “khơi những nguồn chưa ai khơi” để rồi từ hình ảnh lão hạc người đọc đã nhìn thấy vẻ đẹp bị che đi sau những đấu tranh, sau sự nghèo đói và vất vả đó nay được mở ra, không cần dày công tìm kiếm. Để thấy được vẻ đẹp của lão hạc ta đi từ diễn biến tâm lý của lão qua đoạn trích “Lão hạc” trong sgk8- tập 1.

Vẻ đẹp của lão hạc bộc lộ qua tình yêu thương với con vật mà mình nuôi, lão âu yếm gọi con chó mà con trai mua là “cậu Vàng” như người mẹ hiếm con gọi đứa con cầu tự. Dù không có gì ăn lão vẫn cho con chó ăn đầy đủ, lão đã nhiều lần quyết định bán con chó vì càng tiêu càng sợ vào tiền của con nhưng rồi lần lữa mãi lão mới chịu bán. Đoạn lão hạc qua nhà ông giáo kể lại quá trình bán chó đã diễn tả được đỉnh cao của sự đau khổ, như vừa làm một việc ác nào đó để mất đi thứ quý giá của mình: “ Lão cố tỏ ra vui vẻ, nhưng cái miệng lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậc nước” một tình thương rất lớn mà lão hạc đã dành cho cậu Vàng, bán cậu vàng rồi trong lòng lão là bao nhiêu ân hận khi “đi lừa một con chó” lão thấy như con vật ấy đang trách móc lão, lão hu hu khóc như con nít. Ngôn từ của nhà văn khi nói về câu nói của lão hạc “ cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ”; một cách nói vô cùng âu yếm và thương cảm, như thể đang nói về đứa con của mình. Giữa những ngày tháng đói nghèo đến cùng cực, lão hạc vẫn yêu thương cậu Vàng như máu thịt của mình, có lẽ lão đã chẳng coi nó là một con chó; mà đối với lão nó là một đứa con, một người bạn tâm giao cùng lão chia sẻ bao vui buồn bao cô đơn. Tình thương ấy như thoát ra khỏi cái bần hàn, cái đói khổ, lúc mà người ta giành nhau để mưu sinh, đè lên nhau mà sống, sống bằng trộm cướp như Binh Tư, đánh nhau, rạch mặt như Chí Phèo, bán chó bán con như chị Dậu…Ấy thế mà lão hạc lần lữa mãi mới bán con chó, bán rồi lão buồn tủi, đau đớn, giận chính bản thân mình. Tình người đẹp đến thế toát lên từ lão hạc như là niềm tin cho những con người sống trong khổ cực.

Trong suốt đoạn trích không hiện lên nhiều hình ảnh người con trai, nhưng trong mỗi câu mỗi từ mà lão hạc nói lại luôn thấy người con trai trong đó, lão hạc thương con mà không dám tiêu đồng nào của con “cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào” xuyên suốt tác phẩm lão hạc đều lo nghĩ cho con trai, mong nhớ nó, đợi chờ từng lá thư của con “Thằng cháu nhà tôi, đến một năm nay, chẳng thấy giấy má gì”. Lão thương con vì nghèo mà không lấy được vợ nên lão quyết không lấy một đồng nào của con để tiêu xài. Lão chỉ chăm chăm kiếm tiền cho con, lão trồng hoa màu được đồng nào lại dè sẻn để dành cho con, lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc, khi lão ốm tiêu tốn hết tiền thuốc lão lo lắng và nghĩ cách để không đụng vào tiền cưới vợ của con, lão bán chó, kiếm được cái gì ăn cái nấy rồi lão tự tử chỉ để không bòn thêm đồng nào của con nữa. Tình thương của người cha dành cho con giữa những tháng ngày đói khổ ấy, không phải để được tồn tại mà bán đi đất của con, người cha ấy với những nghĩa cử cao đẹp đã làm cho bức tranh về người nông dân trong xã hội cũ khoác lên mình những chiếc áo mới, chiếc áo của tình yêu thương sáng rực trong đêm đen của xã hội cũ.

Diễn biến tâm lý của lão hạc còn được bộc lộ qua việc lão chuẩn bị để đến với cái chết ra sao, lão tin tưởng ông giáo là người có học thức nên lão viết văn tự nhượng cho ông giáo để sau này ông giáo sẽ giao lại cho con ông mà không ai có thể dòm ngó đến. Lão còn chuẩn bị tiền ma chay cho chính mình để khỏi làm liên lụy đến hàng xóm láng giềng. Rồi lão chết, một cái chết đau đớn nhưng có lẽ lão sẽ không bao giờ hối hận “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc”. Lão mất hai giờ vật lộn trên giường rồi mới chết. Cái chết để giữ gìn của cải cho con, cũng là cái chết đầy lòng tự trọng khi không muốn xóm giềng bị liên lụy, cái chết ấy có lẽ cũng là cái chết giải thoát cho cuộc đời của lão- một cuộc đời khổ đau bần hàn nhưng lương thiện.

Như vậy, lão Hạc chết đi nhưng có lẽ lão đã bất tử trong lòng người bởi tấm lòng lương thiện của mình. Từ hình ảnh của lão Hạc, người ta thấy giữa cái đêm đen u ám với bao khổ đau của xã hội cũ, ta thấy ngoài những mảnh đời bị tha hóa như Chí Phèo; vì tiền siêu thuế của chồng và gia đình mà phải dứt ruột bán con như chị Dậu; vì tham lam mà hạnh phúc trước cái chết của người thân như những người trong gia đình “Hạnh phúc của một tang gia” thì lão Hạc nổi lên, như ánh sao đêm giữa bầu trời bon chen cực khổ mà nhất quyết không làm một hành động trái lương tâm nào, lão chọn cái chết để giải thoát cho tất cả mọi chuyện mà không ảnh hưởng cuộc sống của con trai- người thân duy nhất của lão.

Câu chuyện về “Lão Hạc” là câu chuyện về lòng người, một nhân cách đẹp sáng lên giữa cái đói khổ; cái đói khổ ấy không hề đến nước cùng rồi cũng làm liều như ai hết, mà nó cứ tinh khiết, cứ trong sạch và đầy lòng tự trọng. Ngòi bút nhân đạo của Nam Cao đã vẽ lên trước mắt ta một bức tranh thật đẹp về lòng người trong gian khó vẫn không hề thay đổi, không để cái đói cái khó đè lên nhân cách của mình, con người trong xã hội cũ dù bị tước đi mọi thứ, cướp đi cái ăn cái mặc, cướp đi hạnh phúc thì cũng không bao giờ cướp được nhân cách của họ.