Tóm tắt giá trị nghệ thuật tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Truyện Kiều được coi là đỉnh cao nghệ thuật trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du

  • Về thể thơ, tác giả sử dụng thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của Việt Nam, với 3254 câu, điều đó tạo nên một tác phẩm gần gũi với đời sống người dân.
  • Về ngôn ngữ: là ngôn ngữ văn học hết sức giàu và đẹp, đạt đến đỉnh cao ngôn ngữ nghệ thuật. Mỗi câu từ, mỗi sự kiện chêm vào đều có chủ đích của chính tác giả và được cân nhắc cẩn trọng. Ngôn ngữ kể chuyện có 3 hình thức: trực tiếp (lời nhân vật), gián tiếp (lời tác giả), nửa trực tiếp (lời tác giả mang suy nghĩ, giọng điệu nhân vật). Nhân vật trong truyện xuất hiện với cả con người hành động và con người cảm nghĩ, có biểu hiện bên ngoài và thế giới bên trong sâu thẳm.
  • Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc hoạ nhân vật qua phương thức tự sự, miêu tả chỉ bằng vài nét chấm phá, mỗi nhân vật trong Truyện Kiều hiện lên như một chân dung sống động. Cách xây dựng nhân vật chính diện (Thúy Kiều, Từ Hải...) thường được xây dựng theo lối lý tưởng hoá, được miêu tả bằng những biện pháp ước lệ, nhưng rất sinh động. Nhân vật phản diện của Nguyễn Du chủ yếu được khắc hoạ theo lối hiện thực hoá, bằng bút pháp tả thực, cụ thể và rất hiện thực (miêu tả qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động… của nhân vật).
  • Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên đa dạng, bên cạnh bức tranh thiên nhiên chân thực sinh động (Cảnh ngày xuân), có những bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc (Kiều ở lầu Ngưng Bích).