Tình cảm của nhà thơ đối với Bác đã được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 2,3,4? .
Trong bài thơ, tác giả Viễn Phương đã dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ tượng trưng giàu sức biểu cảm và mang những ý nghĩa sâu xa để thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với Bác.
Nhà thơ đã sử dụng một ẩn dụ nghệ thuật tuyệt đẹp để nói lên cảm nhận của mình khi đứng trước lăng Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực. Đó là mặt trời của thiên nhiên, là nguồn sáng kì vĩ, vĩnh hằng, đem đến sự sống cho muôn loài trên trái đất. Còn “mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo ngầm chỉ Bác Hồ kính yêu. Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh lớn lao và vĩ địa của dân tộc Việt Nam. Bác đã đem đến ánh sáng của Đảng, của cách mạng để soi đường dẫn lối cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Thông qua hình ảnh ẩn dụ đó, tác giả vừa ca ngợi sự vĩ đại, vừa thể hiện lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác.
Hình ảnh dòng người vào thăm lăng Bác đã được nhà thơ miêu tả một cách độc đáo và để lại nhiều ấn tượng:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Bằng sự quan sát trong thực tế, tác giả đã tạo ra một hình ảnh ẩn dụ đẹp và sáng tạo: “tràng hoa”. “Tràng hoa” ở đây vừa là những bông hoa thực được nhân dân dâng lên Bác, cũng vừa mang ý nghĩa chỉ những người đang xếp hàng vào lăng viếng Bác là những bông hoa đẹp đẽ, ngát hương. Cuộc đời mỗi người đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Hình ảnh đẹp này đã thể hiện sâu sắc những tình cảm thành kính, thiêng liêng của nhân dân đối với Bác.
Ở khổ thơ thứ 3, dòng người đang yên lặng đi qua linh cữu Bác trong nỗi nhớ thương và xót xa vô hạn. Không khí tĩnh lặng, khung cảnh yên tĩnh nơi đây đã khiến cho ngay cả hình ảnh thơ cũng thay đổi:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” gợi cho chúng ta nghĩ đến tâm hồn, cách sống cao đẹp, thanh cao, sáng trong của Bác và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người. Trăng với Bác đã từng vào thơ Bác trong nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến để giữ giấc ngủ ngàn thu cho Người.
Tâm trạng xúc động của nhà thơ tiếp tục được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu xa:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Hình ảnh ẩn dụ ‘trời xanh” đã thể hiện sức sống trường tồn và vĩnh cửu của Bác đối với nhân dân Việt Nam. Bác ra đi nhưng đã hóa thân vào thiên nhiên của dân tộc. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, như bầu “trời xanh” vĩnh viễn ở trên cao. Người vẫn mãi sống, bất tử trong lòng mỗi người.
Bác Hồ được ví với mặt trời rực rỡ, với mặt trăng dịu mát, êm đềm và với cả trời xanh vĩnh cửu. Tất cả những hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, sâu sắc và hết sức gợi cảm ấy đều thể hiện niềm xúc động cùng tấm lòng thành kính của tác giả cùng toàn thể nhân dân đối với Bác Hồ.