Tìm đọc bài thơ Đêm đõ thuyền ở bến Phong Kiều và tìm hiểu về....
Rõ ràng màn đêm đã bao trùm cả không gian mới thấy rõ được ánh lửa nhỏ từ xa như vậy. Lấy sáng để nói tối là thủ pháp nghệ thuật đã được Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo trong bài “Mộ” (Chiều tối). Chọn thời điểm trữ tình đêm thu, “Phong Kiều dạ bạc” thực sự trở về với mạch tâm tư sâu kín nhất của nhân vật trữ tình. Bởi đây chính là khoảng thời gian dễ đánh thức trong lòng khách tha phương những nỗi u hoài. Chẳng phải thi tiên Lý Bạch trong đêm thanh tĩnh nhìn ánh trăng mà động mối tình quê sâu nặng đó sao? (trong bài thơ “Tình dã tứ”). Từ thời gian trữ tình này lại mở ra một không gian trữ tình. Không gian được tác giả xây dựng bằng bút pháp chấm phá theo nghệ thuật phối cảnh cao-thấp, xa-gần, rộng-hẹp...và cuối cùng hội tụ ở bức tranh tâm cảnh. Không gian ở đây chìm trong mông lung, hư ảo vừa như thực lại vừa như hư, dường như đã có “độ nhoè” của tâm trạng. Đó là cảnh trăng tàn, sương đầy trời được nối tiếp với cái thấp thoáng của cảnh thiên nhiên (lùm cây phong bên sông, ngọn lửa đèn chài ) như gần mà cũng như xa chập chờn trước giấc mộng của lữ khách.