Thuyết minh về tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao.
Nam Cao – nhà văn và cũng là những người bạn luôn thấu hiểu, đồng cảm với nỗi lòng của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Khi nhận xét về hình ảnh người nông dân trên trang văn của ông, có nhà nhận định đã đưa ra ý kiến: Truyện của Nam Cao thể hiện một tư tưởng chung là nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã thể hiện một nhân cách cao đẹp, dù hoàn cảnh sống khốn cùng nhưng vẫn giữ cho mình những phẩm giá đáng quý.
Nam Cao sinh ra ở một làng quê nghèo vùng đồng bằng Bắc Bộ và cuộc sống của ông gặp nhiều khốn khó, dòng đời lận đận. Vì vậy, những chất liệu và hình ảnh thực đã đi vào trang văn của ông chân thực và sống động. Hình ảnh người nông dân nghèo khổ bị vùi dập, dồn đế bước đường cùng đã hằn sâu trong tâm trí nhà văn. Cùng với các tác phẩm Chí Phèo, Một bữa no… Lão Hạc là một truyên ngắn xuất sắc của Nam Cao khi viết về đề tài này và được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện ngắn được giới thiệu trong chương trình sách Ngữ Văn 8 tập 1, với độ dài gần tám trang giấy nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về một người cha, người nông dân với những phẩm chất cao quý.
Lão Hạc là truyện kể về cuộc đời của người nông dân sống ở làng quê nghèo khó. Lão có một đứa con trai, một mảnh vường và một con chó mà lão rất yêu quý với tên gọi cậu Vàng. Đứa con trai của lão vì hoàn cảnh nghèo khổ mà không lấy được vợ, phẫn uất nên anh ta bỏ đi đồn điền cao su, bỏ lại người cha cô đơn với cậu Vàng. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, lão Hạc không còn đủ sức đi làm thuê làm mướn, rồi trận bão đã phá sạch sành sanh hoa màu trong mảnh vườn. Cuộc sống ngày càng khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và không nhận sự giúp đỡ của bất kì ai. Và khi không còn kiếm được gì ăn,lão cũng không muốn bán mảnh vườn nên lão phải bán cậu Vàng cho người ta giết thịt và quyết định ấy đã khiến lão đau khổ, day dắt, buồn bã. Lão mang hết tài sản của mình gửi cho ông giáo giữ hộ. Một hôm nọ, lão xin Binh Tư bả chó và nói là để đánh bả một con chó làm thịt. Ông giáo nghe được câu chuyện đó đã rất buồn rồi bỗng dưng nghe tin lão Hạc chết. Một cái chết đau đớn và dữ dội, lão đã dùng bả chó để kết thúc cuộc đời mình. Cả làng không ai hiểu vì sao, chỉ có ông giáo và Binh Tư hiểu.
Dù với dung lượng khá ngắn và cốt truyện đơn giản nhưng truyện đã rất thành công khi khắc họa hình ảnh người nông dân trước Cách mạng. Lão Hạc trước hết là một người cha mẫu mực, yêu thương con hết lòng. Vợ mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con trưởng thành.Khi đứa con không thể cưới vợ vì không có tiền và phẫn uất bỏ đi làm ăn. Người cha như lão Hạc ở hoàn cảnh đó không khỏi đau đớn, day dứt khi không làm tròn trách nhiệm của mình. Vì thế mà ngày đêm lão mong ngóng đứa con trai trở về. Lão thường tâm sự với cậu Vàng như nói về bố của trẻ. Được đồng nào từ hoa màu cảu mảnh vườn, lão chắt chiu dành cả cho con. Tấm lòng của người cha nghèo khổ thật đáng trân quý biết bao.
Không chỉ vậy, lão Hạc còn là người có lòng tự trọng và nhân cách cao đẹp. Dù rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, không còn gì ăn và sức lực cạn kiệt nhưng lão quyết từ chối sự giúp đỡ của những những người lãng giềng. Còn chút tiền tiết kiệm được, lão gửi cả ông giáo để sau này lão chết sẽ lo ma chay cho lão, khỏi phiền hà hàng xóm. Cũng chính bởi lòng tự trọng gần như hách dịch ấy, đã khiến lão tìm đến cái chết như sự giải thoát. Quyết định bán cậu Vàng có lẽ là quyết định khó khăn và đau đớn nhất của lão. “Lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước”, “mặt lão co rúm lại”, “những vết nhăn xô lại với nhau”… những chi tiết miêu tả tam trạng lão Hạc sau khi bán cậu Vàng thật xúc động. Lão coi con chó như họ hàng, như con cháu vậy mà lão lỡ lừa bán nó. Một nhân cách cả đời sống trung thực, chẳng biết làm hại ai như lão đau khổ, day dứt về việc mình đã làm. Lão đã chọn cái chết để kết thúc cuộc đời mình bằng một liều bả chó mà lão xin của Binh Tư. Cái chết của lão khiến người độc day dứt, thương xót và cũng đầy suy ngẫm. Lão hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cách ra đi nhẹ nhàng, thanh thản hơn thay vì cái chết dữ dội, đau đớn ấy. Phải chăng lão muốn tự trừng phạt mình sau khi lão lừa bán cậu Vàng. Cái chết là cách để lão giữ lại vẹn nguyên tấm lòng trong sạch của mình trong bước đường cùng của số phận.
Nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của tác phẩm là tài năng miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc của nhà văn Nam Cao. Ngòi bút của ông đã đã thể hiện được những nỗi lòng, tâm tư sâu kín của nhân vật một cách chân thật. Truyện có giá trị nhân đạo sâu sắc, nâng niu những phẩm giá cao đẹp của con người dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất. Bên cạnh đó, truyện đã lên án xã hội thực dân nửa phong kiến, đẩy những người nông dân lương thiện đến tận cùng của nghèo đói, những giá trị tốt đẹp của con người dần bị chôn vùi.
Hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng truyện ngắn Lão Hạc vẫn mãi trường tồn với thời gian bởi những giá trị của nó để lại. Truyện cũng cho chúng ta những bài học về cách xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật tuyệt sắc của nhà văn Nam Cao. Vì thế, tác phẩm Lão Hạc trở thành một trong những truyện ngắn tiêu biểu của giai đoạn văn học trước Cách mạng được lựa chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa để học sinh nghiền ngẫm và rút ra những lẽ sống cho riêng mình.