Bài tập làm văn lớp 8 hay với chủ đề: Thuyết minh về vật dụng gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Chủ đề được chọn là: chiếc kính đeo mắt. Bài viết không trùng với bất cứ bài nào trên mạng.
Ai đó đã từng nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Con người luôn trân trọng và giữ gìn cánh cửa diệu kỳ đó. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện đại, một phát minh vĩ đại đã ra đời bảo vệ cửa sổ tâm hồn của chúng ta. Đó là chiếc kính mắt.
Kính đeo mắt ra đời khi nào? Hành trình đưa nó đến với nhân loại là một câu chuyện dài. Kính đeo mắt ra đời đầu tiên ở Ý năm 1260. Lúc đầu chỉ có giới thầy tu và quý tộc sử dụng. Người Pháp và người Anh cho rằng kính đeo mắt chỉ nên đeo ở nhà còn người Tây Ba Nha lại tin rằng kính đeo mắt khiến họ trở nên quan trọng hơn, nhờ vậy kính đeo mắt được nhiều người biết đến và dần dần được phổ biến. Qua nhiều giai đoạn, khoa học kĩ thuật phát triền và đạt được nhiều thành tựu, kính mắt theo đó cũng phát triển theo. Đa dạng từ hình dáng, cấu tạo đến công dụng.
Cấu tạo của kính đeo mắt cơ bản có thể chia làm 2 bộ phận: mắt kính và gọng kính. Gọng kính được làm bằng những chất liệu khác nhau tùy thuộc vào chi phí và khả năng của người dùng như: nhựa, kim loại, ti tan... Gọng kính gồm hai phần được nối với nhau bởi một khớp sắt nhỏ. Phần sau giúp gá kính vào vành tai. Phần trước đỡ lấy mắt kính và giúp mắt kính nằm vững trước mắt. Bộ phận quan trọng nhất của kính là mắt kính. Hình dáng mắt kính rất phong phú, phụ thuộc vào hình dáng gọng kính mắt kính có thể có hình tròn, vuông, chữ nhật, elip...Mắt kính có thể làm bằng nhựa nhẹ chống trầy hay thủy tinh tuân theo quy tắc chống tia uv và tia cực tím. Ngoài ra, một chiếc kính đeo mắt còn có một số bộ phận phụ như ốc, vít... để gắn kết các bộ phận với nhau. Bên cạnh loại kính gọng còn có loại kính áp tròng. Nó nhỏ, mỏng, được đặt sát vào tròng mắt. Nhiều người lựa chọn kính áp tròng vì nó tiện lợi hơn trong khi làm việc.
Kính đeo mắt ngày càng có nhiều chủng loại phong phú, đa dạng cả về kiểu mẫu lẫn côn dụng. Kính thuốc giúp người bị cận thị, viễn thị, loạn thị khắc phục được điểm hạn chế của bản thân trong tầm nhìn. Nhờ kính đeo mắt, người cận thị có thể nhìn được những vật ở xa, người viễn thị thì có thể nhìn được những vật ở gần... Đối với người làm những công việc đặc thù như bơi, trượt tuyết, đi xe máy tốc độ cao,... lại có loại kính đặc biệt bảo vệ mắt của họ tránh khỏi nước, tuyết, gió, bụi,...Ngoài ra, nhiều người còn tin dùng kính râm. Kính râm là loại kính khá khác so với kính thuốc với mắt kính to hơn, mỏng hơn. Măt kính thường là nhựa tổng hợp, có màu sắc bắt mắt. Kính râm có khả năng chống tia UV cao hơn so với các loại kính khác nên nó được ưa chuộng khi đi ra ngoài đường, nhất là những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó kính thời được tạo ra bởi sự đa dạng của kiểu dáng và màu sắc.
Mỗi loại kính lại có cách bảo quản và sử dụng riêng. Để lựa chọn 1 chiếc kính phù hợp với đôi mắt, cần phải theo tư vấn của bác sĩ. Khi lấy và đeo kính cần dùng hai tay. Dùng xong nên lau chùi cẩn thận và cất vào hộp đựng để tránh rơi vỡ. Lâu ngày, kính cần được vệ sinh bằng dung dịch chuyên dụng để giữ mắt kính trong và sáng, không ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đối với loại kính tiếp xúc trực tiếp với mắt như kính áp tròng, cần phải nhỏ mắt từ sáu lần đến tám lần trong vòng từ mười đến mười hai tiếng để bảo vệ mắt. Kính áp tròng đưa thẳng vào mắt nên phải luôn luôn ngâm trong dung dịch, nếu không sẽ rất dễ bám bụi gây đau mắt, nhiễm trùng các vết xước... Trong quá trình học tập, làm việc, đeo kính phù hợp sẽ giúp chúng ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu, mỏi gáy, mỏi cổ... Tuy nhiên, tỉ lệ người mắc các tật về mắt ngày càng tăng cần dùng kính thuốc kết hợp chế độ dinh dưỡng để bảo vệ măt tốt hơn.
Chiếc mắt kính đeo mắt là một phát minh khoa học, đồng thời cũng là vật dụng quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Hãy sử dụng kính đeo mắt phù hợp để giúp nó trở thành vệ sĩ bảo vệ, đồng hành hoàn thiện với đôi mắt -"cửa sổ tâm hồn" của mỗi chúng ta.