Nếu Nam Định có bánh gai bà Thi, Hải Dương có bánh đậu xanh, Hưng Yên nổi tiếng với bánh Nhãn thì Thái Bình cũng có một loại bánh đặc sản, mà chỉ cần nhắc đến tên thôi người ta cũng nhớ tới hương vị thơm thơm, cay cay, mềm và giòn của nó, đó là bánh cáy..

Có nhiều giai thoại xoay quanh nguồn gốc ra đời của bánh cáy. Song cả dân làng Nguyễn lẫn người dân Thái Bình đều đồng ý rằng, bánh cáy là do bà Nguyễn Thị Tần, một người phụ nữ tài đức, giỏi giang dựa trên cách thức nấu chè lam, sáng tạo và phối hợp các nguyên liệu, hương liệu, màu sắc mà tạo thành loại bánh mới. Khi bà mang bánh dâng lên vua, vua khen ngon. Vì màu sắc của bánh có màu sắc giống trứng cua, cáy nên vua đặt tên thành bánh cáy. Song cũng có giai thoại viết rằng, khi ăn bánh thấy ngon, có vị cay nên đặt là bánh cay, sau tên bánh bị đọc chệch đi thành bánh cáy.

Bánh cáy ở Thái Bình thì nhiều vô kể, nhưng nói đến bánh cáy ngon, đậm đà, nổi tiếng thì phải đến làng Nguyễn. Bánh cáy là loại bánh dân dã, bình dị và mộc mạc, được làm từ những nguyên liệu đơn giản, gần gũi và sẵn có trong cuộc sống của người dân Thái Bình. Nguyên liệu để làm ra bánh cáy cũng đơn giản, dễ kiếm như chính sự đơn giản, mộc mạc của món bánh này vậy. Bánh cáy được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gấc, quả dành dành, lạc, vừng, gừng, mứt bí, mỡ lợn và đường mía. Nguyên liệu đơn giản thế nhưng để làm ra được miếng bánh cáy ngon, dẻo và thơm không chỉ đòi hỏi nguyên liệu phải tươi, mới, ngon mà người thợ làm bánh cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận và tay nghề phải cao. Chỉ riêng khâu chuẩn bị nguyên liệu cũng phải mất tới 5-6 tháng mới đem ra chế biến. Khi nấu bánh, lửa là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành hay bại của mẻ bánh. Bởi lửa quá to thì bánh rắn hoặc có thể bị cháy; còn nếu quá nhỏ thì bánh sẽ mềm ướt, nát. Vì thế, người thợ lành nghề sẽ biết cách khống chế con lửa để bánh vừa chính tới, mềm dẻo, nguyên hình mà không bị dai hay nát.   

  

Bánh cáy sau khi chết biến, hỗn hợp ấy sẽ được đổ vào khuôn có phủ sẵn lớp vừng, nén thành hình. Sau khi bánh nguội người ta mới cắt bánh thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Miếng vánh cáy vàng ươm, vuông vức, giòn giòn, thơm thơm, vừa cay vừa ngọt nhâm nhi cùng với cốc trà nóng thì còn gì tuyệt hơn nữa?

Ngày nay, ở làng Nguyễn, làng nghề làm bánh cáy đã tồn tại được hơn 300 năm, có những gia đình đã theo nghề từ khi nghề ra đời. Nhà nào ít cũng phải 30, 50 năm. Điều ấy cũng đủ thấy được người dân Thái Bình trân trọng bánh cáy, trân trọng từng chút tinh hoa của đất trời và cả nghề truyền thống mà cha ông để lại đến nhường nào. Bánh cáy hiện tạo được sản xuất quanh năm để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tuy có lúc gặp khó khăn và thị trường không được thuận lợi song người dân vẫn quyết bám trụ theo nghề, vừa là để giữ nghề, vừa là vì đã gắn với nghề lâu có tình cảm nên cũng không muốn bỏ nghề theo nghề khác...