Thực hiện tuyên truyền về văn hóa ứng xử nơi công cộng ở địa điểm đã chọn. .
Câu 1. HS tuyên truyền về văn hóa ứng xử nơi công cộng ở địa điểm đã chọn, đảm bảo các yêu cầu:
- Thể hiện nội dung đã chuẩn bị bằng các hình thức đã lựa chọn.
- Đảm bảo sự tương tác với người tham gia.
- Đặt các câu hỏi thu thập thông tin phản hồi để kiểm tra kết quả tuyên truyền.
- Khích lệ người tham gia trực tiếp tuyên truyền về văn hóa ứng xử nơi công cộng cho người thân và những người xung quanh.
Ví dụ bài tuyên truyền về văn hóa ứng xử nơi công cộng:
Văn hóa ứng xử nơi công cộng là hệ thống nguyên tắc bao gồm hành vi, thái độ, lời nói chuẩn mực với đạo đức của mỗi cá nhân khi giao tiếp chốn đông người như: biết cảm ơn khi nhận được một điều tốt đẹp từ người khác, biết xin lỗi khi gây ra sự phiền phức hay lỗi lầm, biết giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, có thái độ hòa nhã, tôn trọng, lịch sự, cung kính những người xung quanh, khiêm nhường trước người khác… Công tác tuyên truyền nâng cao văn hóa ứng xử tại nơi công cộng cho thanh niên là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi người sống, làm việc tốt hơn.
Hiện nay, hành vi ứng xử tại nơi công cộng của thanh niên trong xã hội là sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa đông và tây, giữa cái mới và cái truyền thống. Với sự bùng nổ của thiết bị công nghệ, thanh niên có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, từ đó hình thành cung cách ứng xử tiến bộ, hợp thời. Ngoài ra, được bồi bổ kiến thức đa chiều, văn hóa ứng xử của thanh niên cũng được nâng tầm, từ đó tác động đến những lối suy nghĩ còn lạc hậu, không theo kịp thời đại nhằm từng bước thay đổi, loại trừ.
Mặt khác, hành vi ứng xử tại nơi công cộng của thanh niên cũng hoàn toàn có thể bị tác động tiêu cực vì mạng xã hội. Với nếp sống nhanh, sống gấp, một số thanh niên tự cho rằng bản thân mình là cái rốn của vũ trụ, sinh ra thói tự kiêu, tự cao tự đại, chỉ cần bản thân mình mong muốn thì mọi người phải làm theo ý mình. Hành vi ứng xử thô lỗ, cục cằn của một bộ phận thanh niên hiện nay dễ gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh công cộng và những người xung quanh. Nhìn vào đời sống, không thiếu những hành động mất lịch sự, thiếu tôn trọng, vô văn hóa của thanh niên tại một nơi nào đó. Nó không những là một hiện tượng lẻ tẻ mà đã trở thành hiện tượng trong xã hội, gây nên nhiều hậu quả tai hại.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 như: may khẩu trang tặng cho người dân, tặng nước rửa tay khô cho tiểu thương mua bán ở các chợ, phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn người dân phòng chống dịch COVID-19 ở các khu dân cư, nơi công cộng... Đồng thời, thông qua mạng xã hội, các bạn còn khuyến nghị mọi người không nên chia sẻ những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận; hạn chế tập trung đông người khi không thật sự cần thiết... Tuy nhiên, bên cạnh những hành động đẹp, cách ứng xử tích cực của phần đông thanh niên, thì vẫn còn một số người trẻ lơ là, chủ quan. Ngay trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta vẫn không khó bắt gặp hình ảnh nhiều thanh niên không đeo khẩu trang, tụ tập, vô tư ăn uống, giải trí tại các quán cà phê… Dường như những thông tin, những cảnh báo, hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh bị bỏ qua một bên để nhường chỗ cho những sở thích của một bộ phận thanh niên.
Nguyên nhân của lối ứng xử thiếu lịch sự tại nơi công cộng của một bộ phận thanh niên hiện nay là do: Ảnh hưởng của nền văn hóa mạng trong xu thế hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ khiến thanh niên đề cao cái tôi cá nhân một cách khập khiễng, chỉ quan tâm đến sở thích của mình và thể hiện nó một cách lệch lạc. Mặt khác, nền giáo dục của nước ta xem trọng giáo dục tri thức, đào tạo kĩ năng nghề nghiệp, trong khi xem nhẹ giáo dục và bồi dường nhân cách, đạo đức chuẩn mực cho học sinh trong nhiều năm qua khiến cho nhiều học sinh mất định hướng tốt đẹp, buông lỏng kỉ luật, trở nên hư hỏng. Gia đình thiếu nghiêm khắc, người lớn không gương mẫu hoặc nêu gương xấu khiến thanh niên có suy nghĩ lệch lạc. Xã hội không quan tâm nhiều đến ứng xử của thanh niên tại nơi công cộng. Công tác tuyên truyền của các cơ quan, chính quyền thiếu hiệu quả, thiếu chế tài giám sát và xử lí vi phạm; mức xử phạt còn nhẹ khiến cho người vi phạm không chịu tuân thủ nguyên tắc. Đây là những vấn đề đặt ra cho công tác tuyên truyền nâng cao văn hóa ứng xử tại nơi công cộng cho thanh niên hiện nay.
Một số giải pháp về tuyên truyền nâng cao văn hoá ứng xử tại nơi công cộng cho thanh niên hiện nay:
Một là, để hình thành nên môi trường văn hóa, các cấp ủy đảng và chính quyền cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, cần tuyên truyền và thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Tuyên truyền về vai trò của gia đình, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách” theo tinh thần Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Hai là, để thanh niên hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về đạo đức cho thanh niên. Trong đó, thống nhất phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp thanh thiếu niên. Gia đình uốn nắn hành vi của con trẻ từ khi còn nhỏ, thường xuyên quan tâm, điều chỉnh cách ứng xử của con cái độ tuổi hình thành nhân cách. Nhà trường cần có hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo chuẩn mực đạo đức. Với xã hội, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh trước những hành vi sai trái, đồng thời tuyên dương những hành động đẹp nhằm biểu dương và khích lệ các bạn trẻ sống theo đúng đạo đức, truyền thống dân tộc. Trong các cơ sở giáo dục, cần thực hiện nhất quán, đồng bộ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI; trong đó, chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho người học.
Ba là, chú trọng tuyên truyền về nền văn hóa truyền thống của dân tộc cho thanh niên. Truyền thống văn hóa của mỗi gia đình, địa phương là yếu tố đầu tiên, đóng vai trò nền tảng, tạo môi trường tốt để mỗi cá nhân học tập và cố gắng vươn tới những giá trị cao đẹp. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, các gia đình cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa cho con em, dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biến động trong tâm sinh lý con em mình để có những cách giáo dục, uốn nắn phù hợp. Đối với các cơ sở giáo dục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho các học trò.
Bốn là, lồng ghép nội dung tuyên truyền văn hóa ứng xử trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông và cao đẳng, đại học. Trong các bộ môn việc tích hợp và lồng ghép giảng dạy về những chuẩn mực đạo đức thực tế phù hợp ứng xử của thanh niên là vô cùng quan trọng. Tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi dã ngoại học tập kinh nghiệm và xử lí những tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành lên những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần đem vấn đề giáo dục văn hóa ứng xử cho thanh niên vào một trong những nội dung giáo dục chính trị - tư tưởng và đạo đức lối sống ở những buổi sinh hoạt (tuần sinh hoạt công dân).
Năm là, các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn Thanh niên cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho thanh niên về văn hóa ứng xử nơi công cộng. Nội dung cần chú trọng vào việc tuyên truyền, tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử kí tình huống trong các vấn đề gây nhức nhối như: Ý thức bảo vệ môi trường; Văn hóa trang phục trang nghiêm; Văn hóa tham gia giao thông; Văn hóa khi sử dụng dịch vụ ATM; Văn hóa khi đi thang máy; Văn hóa khi giới trẻ thể hiện tình cảm nơi công cộng... Song song với những dẫn chứng, lý thuyết về việc nâng cao ý thức nơi công cộng, cần đưa ra những hoạt động xử lý tình huống thực tế nhằm giúp thanh niên nâng cao ý thức của mình trong văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Sáu là, các cơ quan, đơn vị, trường học, Đoàn Thanh niên tăng cường tuyên truyền việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tăng cường các bài viết, phóng sự tuyên truyền, treo biển in Quy tắc ứng xử, tổ chức phát thanh, phát tờ rơi, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, thi tìm hiểu về Quy tắc ứng xử nơi công cộng; triển lãm ảnh; trình diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ… nhằm nâng cao hiệu quả đưa hệ thống quy tắc ứng xử lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng; khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa ứng xử thanh lịch, văn minh, xây dựng ý thức, trách nhiệm của thanh niên đối với cộng đồng. Đồng thời, cần phát động phong trào giới thiệu và viết về những tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện Quy tắc ứng xử nhằm đẩy mạnh sức lan tỏa của những hình mẫu người thanh niên về thực hiện văn hóa ứng xử trong đời sống.
Bảy là, các cơ quan báo chí, truyền thông cần thông tin kịp thời, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Bên cạnh việc tuyên truyền điều hay, ứng xử đẹp thì cần mạnh dạn lên án, phê bình những hành vi xấu, ứng xử chưa tốt mới có thể cảnh tỉnh những hành vi phản văn hóa, thuyết phục và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân nói chung và thanh niên nói riêng. Đặc biệt, cần tuyên truyền rộng rãi cho thanh niên về những keyword (từ khóa), phát ngôn, hoặc những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội để thanh niên có thể phòng tránh.
Tám là, cần tuyên truyền và phổ biến hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng. Trong đó, tập trung tuyên truyền những quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, việc sử dụng từ xưng hô và có hành vi ứng xử đúng chuẩn mực. Đồng thời, cần tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.
Câu 2. HS tự rút kinh nghiệm, đánh giá sau buổi tuyên truyền.