Theo em, những hành động, lời nói nào của Tô Hiến Thành trong câu chuyện dưới đây thể hiện sự chí công vô tư ? Hãy viết ra giấy hoặc gạch chân những câu, cụm từ chỉ điều đó..
Những hành động, lời nói của Tô Hiến Thành thể hiện sự chí công vô tư trong câu chuyện là:
- Ta là đại thần, nhận mệnh Tiên tổ lo giúp vua còn bé. Nay lại ăn của đút ma làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở dưới suối vàng
- Thái hậu gọi ông vào dỗ dành, thuyết phục nhưng Tô Hiến Thành kiên quyết không nghe.
- Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ há chịu
- Nếu thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần xin cử Trần Trung Tá....
Qua câu chuyện này giúp em thấy được Tô Hiến Thành là một vị quan tốt. Ông được vua tin tưởng bởi ông là vị quan biết lo cho hậu vận đất nước, biết đặt việc chung lên trên hết, không màng danh lợi cho bản thân. Đó là điều đáng quý của một vị đại thần.
Kể về tấm gương chí công vô tư:
Khi Tấn Bình Công lên ngôi vua, thấy huyện Nam Dương còn chưa có huyện lệnh mới hỏi đại phu Kỳ Hoàng Dương ai có thể đảm nhiệm chức vụ này, khi nghe Kỳ Hoàng Dương tiến cử Giải Hồ, Tấn Bình Công ngạc nhiên hỏi lại"Giải Hồ chẳng phải có tư thù với ông ư ? Làm sao ông lại tiến cử ông ta ?". Kỳ Hoàng Dương đáp: "Hoàng thượng chỉ hỏi ai là người xứng đáng giữ chức huyện lệnh, chứ có hỏi ai là người có tư thù với hạ thần đâu".
Tấn Bình Công không biết nói sao liền cử Giải Hồ đi nhậm chức. Sau khi đến Nam Dương, Giải Hồ đã làm nhiều việc tốt cho dân, khiến huyện Nam Dương trở nên khá nổi bật.
Về sau, Tấn Bình Công lại yêu cầu Kỳ Hoàng Dương đề cử một viên Trung Quân Úy, là một chức vụ quan trọng trong quân đội. Kỳ Hoàng Dương nói Kỳ Ngọ là người xứng đáng gánh vác trọng trách này. Tấn bình Công vội hỏi lại: "Kỳ Ngọ là con trai ông, ông tự đề cử con mình chẳng lẽ không sợ thiên hạ dị nghị sao?". Kỳ Hoàng Dương đáp: "Hoàng thượng chỉ yêu cầu hạ thần đề cử một viên Trung Quân Úy thôi, chứ có hỏi người đó có phải là con trai của hạ thần đâu".
Tấn Bình Công cũng chuẩn y Kỳ Ngọ nhậm chức Trung Quân Úy, còn Kỳ Ngọ cũng không phụ lòng mong mỏi của cha, làm việc rất xuất sắc.
Khi Khổng Tử nghe xong hai sự việc này liền khen rằng : "Tuyệt lắm, Kỳ Hoàng Dương đề cử nhân tài, đối ngoại thì không bài xích người có tư thù với mình, đối nội thì không nề hà người đó là con trai mình, việc làm này quả là chí công vô tư".