Quảng Trị là nơi ghi dấu của những trận chiến khốc liệt giữa ta và đế quốc Mĩ trong cuộc chiến giành giật để giữ mảnh đất của cha ông. Một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất khi nhớ đến Quảng Trị chính là thành cổ Quảng Trị, nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị..
Bất cứ ai đã từng một lần đến thăm thành cổ Quảng Trị đều rưng rưng nước mắt, bởi quá khứ hào hùng mà tòa thành đổ nát ấy đã phải trải qua. Hoàng Nhạn đã có những vần thơ thâm trầm, đầy cảm xúc khi đến thăm lại nơi này:
“Ai có qua thành cổ
Xin nhè nhẹ bước chân
Còn người nằm dưới cỏ
Mảnh đạn thù trong thân”
Thành cổ Quảng Trị còn được gọi là Cổ thành Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng chừng 2km về phía bắc, cách dòng Thạch Hãn 500m về phía đông. Thành cổ Quảng Trị được xây dựng từ đầu thời Gia Long tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành, Triệu Phong), đến năm 1809 mới được dời dến xã Thạch Hãn. Lúc đầu thành được đắp bằng đất mãi đến thời vua Minh Mạng mới cho xây lại bằng gạch. Thành được xây theo lối kiến trục thành trì ở Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn, kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành có 4 cửa chính ở các phía Nam, Bắc, Đông, Tây.
Dưới thời phong kiến, thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị của Quảng Trị và là vị trí quân sự quan trọng để bảo về kinh thành Phú Xuân - Huế từ phía Bắc. Đến thời Pháp thuộc, thành bị thực dân Pháp biến thành nhà tù để giam cầm những người có quan điểm chính trị đối lập.
Trong thời kì chống Mĩ, đặc biệt từ những năm 70 của thế kỉ trước, thành cổ đã chứng kiến và hứng chịu những cuộc chiến khốc liệt, hào hùng và bi tráng của cả dân tộc. Nhắc đến những ngày tháng ấy, ta không thể không nhắc tới trận đánh 81 ngày đêm trong cuộc chiến ở thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cuộc chiến diễn ra giữa lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với liên minh Quân đội Hoa Kỳ - Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chỉ trong 81 ngày đêm, đế quốc Mĩ đã dội xuống thành cổ Quảng Trị hàng nghìn tấn bom đạn - một khối lương bom đạn khổng lồ, đã gần như san phẳng tòa thành cùng cả thị xã Quảng Trị lúc bấy giờ. Dưới sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng và đặc biệt là pháo hạm B52 ném bom tân tiến nhất của Mĩ, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt, dữ dội. Nhân dân Quảng Trị và quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam đã kiên cường chống trả, hàng nghìn con người đã nằm lại chiến trường khốc liệt, dưới những cánh đồng cỏ xanh rì vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhât đất nước. Trận đánh ở thành cổ Quảng Trị là trận đánh lớn nhất, dữ dội nhất và cũng là trận đánh khiến cho quân và dân ta (cả địch) cũng tổn hại nặng nề nhất trong toàn bộ cuộc chiến.
Tỉnh Quảng Trị có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhưng có hai nghĩa trang không có tên chính là thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn. 81 ngày đêm đỏ lửa, màu đỏ của chiến trận, màu đỏ của máu, màu đỏ của ý chí quyết tâm cao độ của những người con đất Việt, đất Quảng Trị oai hùng. Họ đã sống những ngày tháng nhiệt huyết của tuổi trẻ trong cái không khí hào hùng của cả dân tộc. Đau thương mất mát là không thể tránh khỏi, nhưng những mà họ dùng tính mạng đánh đổi, quả thực xứng đáng...
Ngày nay, thành cổ Quảng Trị trở thành Di tích quốc gia đặc biệt và là điểm du lịch thu hút khách tham quan cả trong nước và quốc tế. Tại đây, có khu đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến, bảo tàng Thành cổ Quảng Trị với những di vật và cả những bức thư bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình trong thời gian xảy ra trận đánh khốc liệt ấy. Người Quảng Trị tự hào vì trong những năm tháng rựa lửa ấy, họ đã anh hùng chiến đấu, kiên cường chống trả, một sống một còn với kẻ thù, giành giật từng tấc đất để bảo vệ mảnh đất của cha ông....