Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều. Trong cảnh ngộ của mình nàng nhớ tới những ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nỗi nhớ có hợp lí không?.
a. Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều. Đầu tiên Kiều nhớ tới Kim Trọng. Trong xã hội phong kiến đề cao chữ hiếu, thế nhưng ở đây Nguyễn Du lại để cho Thuý Kiều nhớ Kim Trọng trước khi nhớ về cha mẹ, điều đó có lí do của nó. Với cha mẹ dẫu sao nàng cũng mới gặp gỡ trước lúc lên đường về với Mã Giám Sinh, thứ nữa hành động bán mình để lấy tiền cứu cha và em của nàng cũng là một phần nào làm nàng yên lòng. Còn đối với Kim Trọng kể từ ngày “ngộ biến” cả hai bên chưa ai nhận được tin gì của nhau. Hơn nữa, nàng cảm thấy mình có lỗi với Kim Trọng bởi vì hoàn cảnh của gia đình mà nàng đã không giữ đúng lời thề hẹn với chàng Kim.
b. Cách thể hiện nỗi nhớ của Kiều rất khác nhau:
- Về nỗi nhớ Kim Trọng, nàng nhớ lời thề ước dưới trăng, thương chàng Kim Trọng đêm ngày đau đáu trông chờ uổng công vô ích “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”.
- Nàng hình dung cảnh Kim Trọng đợi chờ tin nàng ở quê nhà. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thuỷ chung:
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
- Câu thơ là một câu hỏi tu từ thể hiện sự dằn vặt, đau khổ của nàng khi phải chia tay với Kim Trọng. Dù mai sau có phiêu bạt chân trời góc bể nào thì tình cảm của nàng đối với Kim Trọng vẫn nồng thắm, bất biến với không gian và thời gian.
- Nỗi nhớ cha mẹ
- Nàng thương xót cha mẹ già yêu mà nàng không được chăm sóc. Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà tất cả đã đổi thay mà sự đổi thay lớn nhất là cha mẹ ngày một thêm già yếu.
- Lần nào khi nhớ về cha mẹ, Kiều cũng "nhớ ơn chín chữ cao sâu" và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy con cái của cha mẹ. Cũng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ lại khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau.
- Nghệ thuật: trong đoạn trích, tác giả dùng rất nhiều từ ngữ hình ảnh có tính chất ước lệ: chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử để nói về tình yêu và đạo hiếu. Nhịp thơ đều đều 2/2/2 và 4/4 đã góp phần diễn tả một cách sâu sắc tâm trạng buồn chán của nàng.
c. Như vậy, dù Kiều đã hi sinh thân mình vì đạo hiếu, khi lâm vào tình cảnh đáng thương, nàng lại một lòng nhớ đến Kim Trọng, nhớ thương cha mẹ, quên cả cảnh ngộ của mình. Trong đoạn trích này, Kiều hiện ra với đức hi sinh cao đẹp, một tình yêu thủy chung và lòng hiếu thảo của một người con.