Đề bài : Nêu suy nghĩ của anh/chị về mối quan hệ giữa HỌC và Hành. Gợi ý: Dựa vào bài "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
Bài viết tham khảo
Mỗi chúng ta đều có những mục tiêu và đích đến của riêng mình. Trên con đường đi tới thành công đó, không một ai có thể bỏ qua quá trình “học” và “hành”. “Học” và “hành” giữ vai trò hết sức quan trọng đối với thành công mỗi cá nhân. Đặc biệt, từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chúng ta càng hiểu hơn mối quan hệ giữa “học” và “hành”.
“Học” và “hành” được hiểu là gì? “Học” là hoạt động tiếp thu, chiếm lĩnh kiến thức được truyền lại hoặc tự tìm hiểu qua sách, báo, tivi, tài liệu, từ thực tế cuộc sống…để mở mang vốn hiểu biết, tri thức cá nhân, nâng cao trình độ. “Hành” là những hoạt động thực tiễn được ứng dụng từ những kiến thức đã học. Đó đều là cả quá trình dài lâu. Khi viết bản tấu “Luận học pháp” để gửi lên vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp đã trình bày mục đích của việc học trong phần“Bàn luận về phép học”. Ở đây, Nguyễn Thiếp đã chỉ rõ mục đích chân chính của việc học: “Học để hiểu rõ đạo lý, học để làm người”. Từ đó, ông khẳng định phải học phải có phương pháp đúng đắn: “ Học từ thấp đến cao, học rộng rồi tóm lượt cho gọn” và “Phải theo điều học mà làm” có nghĩa là học phải gắn liền với hành.
Quả thực, “học” và “hành” có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng là hai mặt của một quá trình thống nhất, gắn bó, hỗ trợ và nâng cao lẫn nhau. Nếu bạn nắm chắc lý thuyết và tri thức nhưng không vận dụng vào thực tiễn thì đó chỉ là lý thuyết suông, cuộc sống không tránh khỏi lúng túng thiếu kinh nghiệm. Ví như Ê – đi – xơn có trí tuệ hơn người nhờ tinh thần tự học, song nếu ông không đem trí tuệ đó để sáng tạo những phát minh vĩ đại cho loài người thì liệu có ai biết đến và ghi nhớ cống hiến của ông như ngày hôm nay? Những sinh viên y khoa chưa từng tham gia thực hành khám chữa bệnh liệu có thể chữa trị thành công cho người bệnh hay không? Ngược lại, không có tri thức khoa học, không có lý thuyết soi đường dẫn lối, con người ta lại không thể tham gia vào thực tế cuộc sống. Khi ấy, mọi việc sẽ trở nên rối loạn, thậm chí thất bại.
Kết hợp “học” với “hành” là một trong những phương pháp hiệu quả để thành công. Thực tế cuộc sống đã chứng minh từ rất nhiều tấm gương tiêu biểu. Bạn muốn giỏi ngoại ngữ, nhưng bạn ngại giao tiếp, ngại thực hành thì kiến thức có tốt đến đâu cũng không thể nâng cao khả năng của bạn. Nhiều trung tâm Ngoại Ngữ đã chứng minh cách thực hành, nói chuyện trực tiếp với người bản xứ đạt hiệu quả cao hơn việc làm bài tập và thi cử thông thường. Nhìn vào lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng. Nhờ tinh thần tự học và cuộc sống giao tiếp thường ngày, Người giỏi tới hơn hai mươi thứ tiếng. Suốt những năm tháng đó, nếu không nhờ “Chủ nghĩa Mác – Lênin” và hành động của Người, liệu dân tộc Việt Nam có được độc lập tự do như ngày hôm nay? Những minh chứng xác thực đó đã chứng minh sức mạnh của “học” đi đôi với “hành”. Tri thức học được sẽ tạo động lực để ta tự tin ứng dụng cải tạo thực tiễn. Trong quá trình vận dụng ấy, không tránh khỏi những khó khăn thất bại, nhưng một lần thất bại lại giúp ta rút ra kinh nghiệm quý giá để nhanh chóng khắc phục và đi đến thành công.
Như vậy, “Bàn về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã đem đến những bài học vô cùng quý giá cho việc học, giúp người đọc phần nào ý thức được mối quan hệ giữa “học” và “hành”. Để rồi từ đó rút ra được bài học cho bản thân mình. “Học phải đi đôi với hành” như Bác Hồ đã từng căn dặn. Chúng ta không thể chỉ học mà quên đi hành. Tích cực, chủ động tiếp thu và chiếm lĩnh tri thức để bồi đắp và trang bị cho mình hành trang sẵn sàng dấn thân vào cuộc sống. Dùng hành động thực để ứng dụng những thứ mình đã học, rút kinh nghiệm, sáng tạo để thành công. Đặc biệt thế hệ trẻ Việt Nam – những chủ nhân tương lai của đất nước cần thực hiện tốt phương pháp này để góp phần dựng xây Tổ Quốc mai sau như lời Hồ Chủ tịch lúc sinh thời : “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, đó chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Biết kết hợp có hiệu quả “học” và “hành”, chắc chắn bạn sẽ hoàn thiện bản thân, trở thành người có tri thức, có đạo đức, tài năng và nhân cách, kỹ năng tài giỏi.
Hơn hai trăm năm đã qua đi nhưng lời dạy thuở nào của Nguyễn Thiếp vẫn còn nguyên giá trị. Đó không chỉ là bài tấu trình vua của một bậc phu tử đời đời kính trọng mà còn là lời khuyên đúng đắn của thế hệ đi trước cho những thế hệ nối bước theo sau. “Học” và “hành” đi đôi với nhau chính là một phương pháp học tập thành công cho mỗi con người.