Sưu tầm một bài viết về anh hùng hào kiệt của dân tộc.
Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc đặc biệt
Nguyễn Trung Trực – vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX có câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”, tên tuổi ông là niềm cảm phục và tự hào của người dân Nam bộ. Thế nhưng, không phải người Bình Định nào cũng biết gốc gác của ông là ở Bình Định...
Trong lịch sử chống ngoại xâm vào nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu, và đặc biệt. Ông tham gia chống Pháp từ những năm đầu tiên Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Hai chiến công lừng lẫy của ông: đốt cháy tàu L’ Espérance – tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16-6-1868.
Với trận Nhựt Tảo ông là người cầm quân đầu tiên ở Việt Nam tiêu diệt “pháo đài nổi” của quân đội Pháp. Trận tập kích đồn Rạch Giá, ông là thủ lĩnh nghĩa quân duy nhất ở đất Nam kỳ đánh chiếm lại được đồn trung tâm tỉnh lỵ sau tháng 8.1867 khi thực dân Pháp thôn tính 3 tỉnh miền tây Nam kỳ.
Nguyễn Trung Trực hy sinh để lại tấm gương anh hùng bất khuất và một câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”. Hiện nay, lăng mộ ông ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Lễ tưởng niệm ông vào các ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Sau trận Nhựt Tảo, anh em dòng họ nguyễn Trung Trực đổi tên, đổi họ, di tản lẩn trốn khắp nơi, phần đông về rừng rậm Cà Mau ẩn náu.
Gần 100 năm thực dân Pháp đô hộ, việc nghiên cứu về anh hùng Nguyễn Trung Trực gần như bị quên lãng. Đến năm 1968, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông, trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xuất bản ở Hà nội có đăng một số bài nghiên cứu về Nguyễn Trung Trực. Ở miền Nam, trên “Tập san Sử Địa” xuất bản năm 1968 có dành một chuyên đề để bàn về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực. Mãi đến năm 1987– 1988, Bảo tàng Kiên Giang phối hợp với Viện Sử học mới truy tìm được dòng họ Nguyễn Trung Trực hiện sống ở hai nơi: Long An và Cà Mau, cả 2 tông chi này còn gia phả.
Theo gia phả của hậu duệ Nguyễn Trung Trực, 2 tông chi Bình Nhựt (Long An) và Tân Thuận (Cà Mau) thì ông nội của nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo vốn là ngư dân xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát).
Cuối thế kỷ XVIII, ông cùng người em trai là Nguyễn Văn Chong vào lập nghiệp tại hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thôn Bình Nhựt, tổng Bình Chánh, huyện Thuận An, trấn Phiên An. Do xuất thân nghề làm biển nên vào đây gia đình ông cũng làm nghề chài lưới và hình thành “xóm Nghề”.
Có lẽ không có vua chúa, quan chức, hay lãnh tụ nào có công với đất nước sau khi chết được xây dựng nhiều đền thờ như Nguyễn Trung Trực, hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có đền thờ Nguyễn Trung Trực như: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu…trong tổng số gần 20 đền thờ Nguyễn Trung Trực ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang có 9 đền thờ. Ngoài đền thờ chính còn có rất nhiều đền thờ ghép, thờ chung trong đình làng, đền, chùa. Một số nhà treo ảnh thờ riêng như thờ cửu huyền thất tổ của họ ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp...