Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại....
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Quan sát, học tập, tích lũy tri thức để làm bài văn thuyết minh
a. Đọc lại các văn bản thuyết minh vừa học (Cây dừa Bình Định, Tại sao lá cây cỏ màu xanh lục?, Huế, Khởi nghĩa Nông Vân Vân, Con giun đất) và cho biết các văn bản ấy đà sử dụng các loại tri thức gì ?
b. Làm thế nào để có các tri thức ấy? Vai trò của quan sát, học tập, tích luỹ ở đây như thế nào?
c. Bằng tưởng tượng, suy luận có thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh được không?
Trả lời:
a. Đọc lại các văn bản: (Cây dừa Bình Định, Tại sao lá cây có màu xanh lục, Huế, Khởi nghĩa Nông Văn Vân, Con giun đất) các văn bản ấy sử dụng tri thức trong đời sống thực tế.
b. Muốn có được những tri thức đó đòi hỏi phải có sự quan sát thực tiễn công phu, kĩ lưỡng và sự tích lũy kiến thức lâu dài, sự nghiên cứu tìm tòi.
c. Bằng tưởng tượng, suy luận không thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh
2. Phương pháp thuyết minh
a. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích
Đọc các câu sau và trả lời câu hỏi:
Huế là một trong những trung tâm văn hoá, nghệ thuật lớn của Việt Nam.
Nông Văn Vân là tù trưởng dân tộc Tày, giữ chức tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng).
Câu hỏi: Trong các câu văn trên, ta thường gặp từ gì? Sau từ ấy, người ta cung cấp một kiến thức như thế nào? Hãy nêu vai trò và đặc điểm của loại câu văn định nghĩa, giải thích trong văn bản thuyết minh.
Trả lời:
Các câu trên đều có từ “là”. Đây là kiểu câu định nghĩa, giải thích thường thấy trong văn bản thuyết minh. Phẩn sau từ “là” thường nêu những kiến thức khái quát về bản chất, đặc trưng, tính chất của đối tượng. Vai trò của kiểu câu này là nêu vấn đề, đưa ra nội dung cần thuyết minh.
b. Phương pháp liệt kê:
Đọc các câu, đoạn văn sau và cho biết phương pháp liệt kê có tác dụng như thế nào đối với việc trình bày tính chất của sự vật.
Cây dừa cống hiến tất cả của cải của mình cho con người: thân cây làm máng, lá làm tranh, cọng lá chẻ nhỏ làm vách, gốc dừa già làm chõ đồ xôi, nước dừa để uống, để kho cá, kho thịt, nấu canh, làm nước mắm,…
(Cây dừa Bình Định)
Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải…
(Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000)
Trả lời:
Người viết đã dùng phương pháp liệt kê trong các câu, đoạn văn trên. Tác giả lần lượt trình bày tính chất của sự vật, các biểu hiện cụ thể của đối tượng theo một trật tự nhất định. Tác dụng của phương pháp này là làm cho người đọc nắm đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, rõ ràng.
c. Phương pháp nêu ví dụ:
Chỉ ra ví dụ trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của nó đối với việc trình bày các xử phạt những người hút thuốc lá nơi công cộng
Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la).
(Ôn dịch thuốc lá)
Trả lời: Việc nêu ra ví dụ cụ thể về thái độ nghiêm khắc với những người hút thuốc lá nơi công cộng có tác dụng thuyết phục về ý thức giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh và kêu gọi mọi người nhìn nhận vấn đề thuốc lá một cách nghiêm túc.
Nêu ví dụ là phương pháp thuyết minh được sử dụng rất phổ biến. Nêu ra những dẫn chứng xác thực để minh họa cho vấn đề đang được thuyết minh làm cho người đọc dễ hiểu, dễ nắm bắt được vấn đề.
d. Phương pháp dùng số liệu
Đoạn văn sau cung cấp những số liệu nào? Nếu không có số liệu, có thể làm sáng tỏ được vai trò của cỏ trong thành phố không?
Các nhà khoa học cho biết trong không khí, dưỡng khí chỉ chiếm 20% thể tích, thán khí chiếm 3%. Nếu không có bổ sung thì trong vòng 500 năm con người và động vật sẽ dùng hết số dưỡng khí ấy, đồng thời số thán khí không ngừng gia tăng. Vậy vì sao đến nay dưỡng khí vẫn còn? Đó là nhờ thực vật. Thực vật khi quang hợp hút thán khí và nhả ra dưỡng khí. Một héc-ta cỏ mỗi ngày có khả năng hấp thụ 900 kg thán khí và nhả ra 600 kg dưỡng khí. Vì thế trồng cây xanh và thảm cỏ trong thành phố có ý nghĩa cực kì to lớn.
(Nói về cỏ)
Trả lời: Đoạn văn trong sách giáo khoa đã cung cấp những số liệu về dưỡng khí và thán khí có trong không khí để làm nổi bật vai trò của cỏ và qua đó nói lên tầm quan trọng của việc trồng cây xanh trong thành phố (tạo khả năng hút thán khí, nhả ra dưỡng khí).
Trong văn bản thuyết minh, nhất đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, các số liệu là cơ sở quan trọng để người viết thuyết minh về một vấn đề gì đó. Số liệu sử dụng trong văn bản thuyết minh phải có độ tin cậy cao, được chứng thực bằng phương pháp khoa học.
e. Phương pháp so sánh
Trong câu văn sau, phép so sánh được dùng như thế nào và với mục đích gì?
Biển Thái Bình Dương chiếm một diện tích lớn gần bằng 3 đại dương khác cộng lại và lớn gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương là đại dương bé nhất.
Trả lời: Thuyết minh về độ rộng lớn của biển Thái Bình Dương, người viết đã tiến hành so sánh với các đại dương khác để giúp người đọc có được ấn tượng cụ thể về diện tích của nó. Phép so sánh có tác dụng làm nổi bật, cụ thể hoá đối tượng cần thuyết minh.
g. Phương pháp phân tích, phân loại
Trong văn bản Huế, người viết đã trình bày đặc trưng của thành phố Huế theo những mặt nào?
Trả lời: Các đặc điểm của Thành phố Huế được chia ra các mặt:
- Phong cảnh thiên nhiên.
- Các công trình kiến trúc.
- Các nhà vườn ở Huế.
- Món ăn.
- Tinh thần quật cường của nhân dân.
3. Ghi nhớ
- Muốn có tri thức để làm tốt bài văn thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng.
- Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại...
B. Bài tập và hướng dẫn giải
Câu 1: (Trang 128 - SGK Ngữ văn 8 tập 1) Tác giả bài Ôn dịch, thuốc lá đã nghiên cứu tìm hiểu rất nhiều để nêu lên yêu cầu chống nạn hút thuốc lá. Em hãy chỉ ra phạm vi tìm hiểu vấn đề thể hiện trong bài viết.
Câu 2: (Trang 128 - SGK Ngữ văn 8 tập 1) Bài viết đã sử dụng phương pháp thuyết minh nào để nêu bật lên tác hại của việc hút thuốc lá?
Câu 3: (Trang 128 - SGK Ngữ văn 8 tập 1) Đọc văn bản thuyết minh “Ngã ba Đồng lộc” và trả lời câu hỏi thuyết minh đòi hỏi kiến thức nào? Văn bản này sử dụng phương pháp thuyết minh nào?
NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm giữa hai đường tỉnh lộ số 8 và số 15 thuộc vùng đất đội Hà Tĩnh. Trên một đoạn đường khoảng 20 km mà có những 44 trọng điểm đánh phá của giặc Mĩ và đã phải chịu đựng hơn 2057 trận bom. Ở đây có một tập thể kiên cường gồm 10 cô gái tuổi đời từ 17 đến 20 làm nhiệm vụ san lấp hố bom, làm đường, đào hầm trú ẩn, bảo đảm an toàn cho xe và người qua lại. Ngày 24 - 7 - 1968, sau 18 lần giặc Mĩ cho máy bay đánh phá ác liệt vào khu vực này, cả 10 chị em vẫn trụ lại kiên cường, bất khuất, giữ vững mạch đường đến hơi thở cuối cùng.
Cũng trên mảnh đất anh hùng này đã sinh ra người anh hùng trẻ tuổi La Thị Tám, một cô gái đầy nhiệt tình cách mạng, gan dạ, mưu trí. Liên tục 116 ngày đêm làm nhiệm vụ, chị đã quan sát, đánh dấu những quả bom chưa nổ ở các trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Ba lần bị bom nổ vùi lấp, chị vẫn kiên cường bám sát trận địa, đánh dấu đủ, rõ các hút bom, phục vụ đắc lực cho việc phá bom, đảm bảo giao thông thông suốt.
Ngày nay Ngã ba Đồng Lộc trở thành một nơi tưởng niệm những tấm gương oanh liệt của các cô gái thanh niên xung phong trong thời kháng chiến chống Mĩ.
(Báo Quân đội nhân dân, 1975)
Câu 4: (Trang 128 - SGK Ngữ văn 8 tập 1) Hãy cho biết cách phân loại sau đây của một bạn lớp trưởng đối với những bạn học yếu trong lớp có hợp lí không?
Lớp ta có nhiều bạn học chưa tốt. Trong đó có những bạn có điều kiện học tốt nhưng ham chơi, nên học yếu. Có những bạn học được nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thường bỏ học, đến chậm nên học yếu. Lại có những bạn vốn kiến thức cơ sở yếu từ lớp dưới, tiếp thu chậm, nên học yếu. Đối với ba nhóm học sinh đó, chúng ta nên có những biện pháp khác nhau để giúp đỡ họ.
Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Trình bày những nội dung chính trong bài: " Phương pháp thuyết minh". Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 8 tập 1