Soạn văn bài: Sang thu – Nói với con - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 9 tập 2 trang 48. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Dưới đây sẽ hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong bài học. Cách soạn chi tiết, dễ hiểu. Hi vọng các em học sinh nắm tốt kiến thức bài học..

B. Bài tập và hướng dẫn giải

A. Hoạt động khởi động

Em hãy nêu những dấu hiệu của sự chuyển mùa hoặc những đặc điểm nổi bật của một mùa trong năm.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Sang thu

2. Đọc hiểu văn bản

a) Những biểu hiện nào của thiên nhiên khiến tác giả có cảm giác “Hình như thu đã về”? Dựa vào những biểu hiện đó, em hãy tả lại bức tranh thiên nhiên với những biến đổi của đất trời lúc chuyển mùa từ hạ sang thu.

b) Vì sao nói bài thơ thể hiện sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những biến chuyển trong không gian lúc sang thu?

c) Theo em, trong bài thơ này, hình ảnh hoặc câu thơ nào thể hiện được nét đặc sắc riêng của thời điểm giao mùa giữa hạ và thu?

d) Nêu cách hiểu của em về hai dòng thơ cuối bài:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

3. Tìm hiểu về nghĩa tường minh và hàm ý

a) Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi:

- Trời ơi, chỉ còn có năm phút!
Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Anh chạy ra nhà phía sau, rồi trở vào liền, tay cầm một chiếc làn. Nhà hoạ sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.
- Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!
Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và vội quay đi.

 

(Theo Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)
(1) Qua câu " Trời ơi, chỉ có năm phút !" , em hiểu anh thanh niên muốn nói điều gì? Theo em, vì sao anh không nói thẳng điều đó với anh họa sĩ và cô gái?
(2) Câu nói thứ 2 của anh thanh niên có ẩn ý gì không?

b) Đọc thông tin và trả lời câu hỏi:

Nghĩa tường minh là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu. Hàm ý là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.

(1) Câu nào trong đoạn trích (đã dân ở mục a) cho thấy họa sĩ cũng chưa muốn chia tay anh thanh niên? Từ ngữ nào giúp e nhận ra điều ấy.

(2) Tìm những từ ngữ miêu tả thái độ của cô gái trong câu cuối đoạn trích. Thái độ ấy thể hiện điều gì liên quan đến chiếc mùi soa?

c) Hàm ý của câu in đậm trong đoạn trích dưới đây là gì?

Bác lái xe dắt anh ta lại chỗ nhà hội họa và cô gái:

- Đây, tôi xin giới thiệu với anh một họa sĩ lão thành nhé. Và cô đây là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi. Tuổi già cần nước chè: ở Lào Cai đi sớm quá. Anh hãy đưa ra cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

d) Tìm câu chứa hàm ý trong đoạn trích sau và cho biết nội dung của hàm ý:

Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp doạ đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

- Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

- Cơm chín rồi!

Anh cũng không quay lại.

 (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

4. Tìm hiểu nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ; cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

a) Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

(1) Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi

KHÁT VỌNG HOÀ NHẬP, DÂNG HIẾN CHO ĐỜI
Mùa xuân là mùa của thiên nhiên thắm tươi, của vạn vật sinh sôi nảy nở. Văn học ViệtNam từng có không ít vần thơ thể hiện cảm xúc rạo rực, trẻ trung trước mùa xuân. Ngay từ khi ra đời, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Bài thơ toát lên một không khí vừa rạo tực vừa trong sáng, êm dịu đến dễ thương, thể hiện tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên, đất nước và một nguyện ước cống hiến thật đáng trân trọng.
Hình ảnh mùa xuân trong bài thơ của Thanh Hải mang nhiều tầng ý nghĩa. Từ hình ảnh mùa xuân của thiên nhiên, đất nước trong lao động và chiến đấu, nhà thơ đi đến nguyện ước làm Một mùa xuân nho nhỏ - Lặng lẽ dâng cho đời, cất lên khúc hát xao xuyến, tươi vui hoà trong bản tình ca, anh hùng ca của cách mạng. Trong đó, mùa xuân nào cũng thật gợi cảm, cũng thật đáng yêu.
Bức tranh xuân của thiên nhiên, đất nước được tạo nên từ chi tiết rất tiêu biểu, được vẽ bằng cả màu sắc lẫn âm thanh. Đó là dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, là lộc giắt đầy quanh lưng người ra trận và trải dài trên những cánh đồng (tượng trưng cho sự nảy nở, sinh sôi, cho sự dồi dào, thành đạt). Đó là tiếng chim chiền chiện lảnh lót vang trời. Hình ảnh mùa xuân hiện lên trong cảm xúc thiết tha, trìu mến của nhà thơ, trong lời kêu, giọng hỏi: ơi..., hót chi mà,… Đặc biệt, tình cảm nâng niu vẻ đẹp của mùa xuân, khát vọng thu nhận và giữ gìn vẻ đẹp ấy được thể hiện qua tư thế độc đáo: Tôi đưa tay tôi hứng từng giọt âm thanh từ trời xanh rơi xuống. Tiếng chim chiền chiện thả vào không gian trong suốt của mùa xuân được cảm nhận thành từng giọt mang màu sắc long lanh. Cảm giác ấy, động tác ấy chỉ có được ở một tâm hồn thi sĩ, ở một tấm lòng tha thiết yêu mến cuộc sống này. Từ hình ảnh mùa xuân gần gũi, nhà thơ liên tưởng khái quát đến truyền thống bốn nghìn năm, đến sức xuân cứ đi lên phía trước của đất nước. Khi đúc kết, khái quát như thế, lời thơ dễ khô khan. Nhưng khổ thơ thứ ba cứ tự nhiên được cuốn đi trong dòng cảm xúc dịu dàng, đằm thắm, do đó vẫn nằm trong mạch tâm tình.
Từ rung cảm thiết tha trước mùa xuân đẹp của quê hương, đất nước, Thanh Hải bộc lộ một nguyện ước chân thành :
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Đó chính là hình ảnh Một mùa xuân nho nhỏ - Lặng lẽ dâng cho đời thể hiện khát vọng đựơc hoà nhập, được dâng hiến. Đến đây, ta bỗng thấm thía ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Trước Thanh Hải quả chưa từng có hình ảnh thơ vừa lạ, vừa hồn nhiên, thân thương này. Hình ảnh mùa xuân nho nhỏ chứa đựng sự khiêm nhường mà cũng tự tin, tự hào biết mấy của con người ý thức sâu sắc về giá trị cuộc đời, về hạnh phúc của hiến dâng và đón nhận. Nốt trầm xao xuyến của mùa xuân nho nhỏ này cứ tự nhiên hoà vào mùa xuân lớn của thiên nhiên đất nước nhờ sự chiếu ứng giữa hai phần của bài thơ. Khổ đầu đã xuất hiện hình ảnh bông hoa tím, con chim chiền chiện giữa trời xanh với tiếng chim hót từng giọt long lanh. Giờ đây, đến khổ thứ tư, nguyện ước của nhân vật trữ tình, của mùa xuân nho nhỏ chính là sự láy lại các hình ảnh ấy của mùa xuân.
Như vậy, giữa các khổ, các phần của Mùa xuân nho nhỏ có sự gắn kết tự nhiên, chặt chẽ, vừa luyến láy vừa được nâng cao. Bài thơ này lay động tâm hồn chúng ta bởi chất hoạ gợi cảm, chất nhạc vấn vương, quyến luyến, bởi nguyện ước tha thiết, chân thành. Cái nguyện ước lặng lẽ dâng cho đời một mùa xuân nho nhỏ kia đâu còn của riêng Thanh Hải mà có lẽ đã trở thành tiếng lòng của nhiều bạn đọc.
                                                                                                     (Hà Vinh)
  • Vấn đề nghị luận của văn bản này là gì?
  • Văn bản nêu lên những luận điểm gì về hình ảnh mùa xuân trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ? Người viết đã sử dụng những luận cứ nào để làm sáng tỏ các luận điểm đó?
  • Chỉ ra các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài; nhận xét về bố cục của văn bản.
  • Cách diễn đạt trong từng đoạn của văn bản có làm nổi bật được luận điểm không?

(2) Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn để thấy được những điều cần lưu ý khi làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

- Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày (…) của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.
- Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua (…) Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng.
- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện (…) của người viết

b) Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

(1) Đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi.

Đề 1. Phân tích các tầng nghĩa trong đoạn thơ sau:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
(Thế Lữ, Nhớ rừng)
Đề 2. Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Đề 3. Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội.
Đề 4. Hình tượng người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
Đề 5. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy gợi cho em những suy nghĩ gì?
Đề 6. Phân tích khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh.
Đề 7. Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.
Đề 8. Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài Nói với con của Y Phương.
a) Các đề bài trên được cấu tạo như thế nào?
b) Các từ trong bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ ( hoặc có khi đề bài không có lệnh) biểu thị những yêu yêu cầu gì đối với bài làm?

(2) Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đề bài: Phân tích tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế Hanh

- Tìm hiểu đề và tìm ý: Đề bài yêu cầu phân tích những biểu hiện của tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương của Tế hanh. Em cần đọc kỹ bài thơ, tìm hiểu hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi sáng tác bài thơ đê trả lời được các câu hỏi sau:

+ Trong xa cách, nhà thơ nhớ về quê hương như thế nào? Hình ảnh làng quê hiện lên trong nỗi nhớ của Tế Hanh có những đặc điểm và vẻ đẹp gì?

+ Bài thơ có các hình ảnh, câu thơ nào gây ấn tượng sâu sắc đối với em? Ngôn từ, giọng điệu của bài thơ Quê hương có gì đặc sắc?

+ Có thể khái quát những luận điểm nào về tình yêu quê hương được biểu hiện trong bài thơ?

- Lập dàn bài:

Mở bài (Giới thiệu bài thơ và nhận xét khái quát về tình yêu quê hương trong bài thơ)

Thân bài

(Phân tích tình yêu quê hương được thể hiện trong bài thơ)

- Cảm hứng bao trùm toàn bài

+…

+…

- Cảnh vật quê hương

+ Cảnh ra khơi

+ Cảnh trở về

- Nỗi nhớ quê hương

+…

+…

Kết bài (Khái quát giá trị, ý nghĩa của bài thơ)

Ví dụ: Cả bài thơ là một khúc ca quê hương tươi sáng, ngọt ngào. Nó là sản phẩm của một hồn thơ trẻ trung, tha thiết và đầy thơ mộng.

Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn để thấy được yêu cầu về bố cục của bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ:

+ Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu (...) (Nếu phân tích một đoạn thơ nên nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát (...)).

+ Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về (...) của đoạn thơ, bài thơ.

+ Kết bài: Khái quát ý nghĩa, giá trị (...).

 

(3) Các phần, các ý trong bài văn cần được sắp xếp và liên kết với nhau như thế nào?

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản

a) Đọc văn bản Nói với con

b) Tìm hiểu văn bản

(1) Hãy xác định bố cục của bài thơ và nêu nhận xét về mạch cảm xúc, suy tưởng của tác giả.

(2) Bốn câu thơ đầu có cách diễn đạt như thế nào? Những từ ngữ, hình ảnh chân phải, chân trái, một bước, hai bước… nói lên điều gì?

(3) Tìm và phân tích các câu thơ cho thấy con được lớn lên trong tình yêu của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương.

(4) Người cha đã nói với con về những đức tính nào của “người đồng mình”? Qua đó, người cha muốn nhắc nhở con những gì? Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con là gì?

(5) Nhận xét về cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ. (Gợi ý: Em có tán thành ý kiến cho rằng bài thơ có cách nói cụ thể, mộc mạc mà giàu khái quát và đậm chất thơ của người miền núi? Những chi tiết nào cho thấy điều đó?)

2. Luyện tập về nghĩa tường minh và hàm ý

Đọc các đoạn trích sau đây (trích từ truyện ngắn Làng của Kim Lân) và cho biết những câu in đậm có phải là câu chứa hàm ý không? Vì sao?

a) Có người hỏi:
- Sao bảo làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?…
- Ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy!
Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng, cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to:
- Hà, nắng gớm, về nào…
Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng. Tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn dõi theo.
b) – Này, thầy nó ạ.
Ông Hai nằm rũ ra trên giường không nói gì.
- Thầy nó ngủ rồi à?
- Gì?
Ông lão khẽ nhúc nhích.
- Tôi thấy người ta đồn…
Ông lão gắt lên:
- Biết rồi!
Bà Hai nín bặt. Gian nhà lặng đi, hiu hắt.

3. Luyện tập nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a) Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh

b) Cảm nhận của em về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ Nói với con .

D. Hoạt động vận dụng

1. Dựa vào các hình ảnh, bố cục của bài thơ Sang thu, viết một đoạn văn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh về sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu, trong đó có câu chứa hàm ý.

2. Tưởng tượng mình là nhân vật người con trong bài thơ Nói với con, hãy trình bày cảm xúc, suy nghĩ của mình khi nghe những lời tâm sự của cha.

3. Đọc lại bài Khát vọng hòa nhập, dâng hiến cho đời của Hà Vinh. Ngoài các luận điểm tác giả đã nêu, em hãy suy nghĩ và nêu thêm các luận điểm khác về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.