Nội dung chính bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.

[toc:ul]

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Phan Bội Châu (1867-1940), hiệu Sào Nam. Là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn nhất của dân tộc ta những năm đầu thế kỷ XX. Tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại, tất cả đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân tha thiết, khát vọng độc lập, tự do và ý chí chiến đấu
  • Bài thơ:
    • Là bài thơ nôm nằm trong tác phẩm” Ngục trung thư”. Bài thơ được sáng tác năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông bắt giam.
    • Thể thơ: Thơ Đường luật thất ngôn bát cú

2. Phân tích bài thơ

a. Hai câu đề:

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

  • Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu”: Hoàn cảnh nhân vật trữ tình ở tù nhưng cái cốt cách hào kiệt, phong thái phong lưu vẫn còn
  • Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”: nhà tù chỉ là nơi nghỉ chân tạm trên chặng đường hoạt động cách mạng

=> Hai câu thơ thể hiện phong thái đường hoàng, tự tin, ung dung thanh thản. Khẩu khí ngang tàng, khí phách hiên ngang bất khuất. Coi đó là một cách nghỉ ngơi trên chặng đường bôn tẩu dài dặc, hoạt động cách mạng căng thẳng, vất vả.

b. Hai câu thực:

Hai câu thơ nói lên nỗi đau lớn lao của một vị anh hùng, sóng gió của cuộc đời riêng gắn với nỗi đau riêng của cả một dân tộc. Hình ảnh người tù trở nên lớn lao và phi thường hơn:

Đã khách không nhà trong bốn biển

Lại người có tội giữa năm châu

  • Giọng điệu trở nên ngậm ngùi thương cảm.
  • Quan hệ từ: đã…...lại -> Tăng cấp cho hoàn cảnh ngặt nghèo. Nỗi đau đớn của người anh hùng cứu nước trong hoàn cảnh tù đày (vừa bi, vừa hùng)
  • Nghệ thuật đối, từ ngữ lớn lao.

Câu thơ còn là những suy ngẫm của tác giả về cuộc đời bôn ba của mình. Đó là cuộc đời hoạt động đầy sóng gió, bất trắc của người tù cách mạng Phan Bội Châu.(Từ năm 1905 cho đến khi bị bắt là gần mười năm , mười năm lưu lạc khi Nhận Bản, khi Trung Quốc , khi Xiêm La(Thái Lan), mười năm không một mái ấm gia đình , cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần. Thêm vào đó còn sự săn đuổi của kẻ thù ở đâu ông cũng là đối tượng truy bắt của thực dân Pháp.

c. Hai câu luận: Hai câu thơ đã dựng lên hình ảnh người anh hùng tràn đầy khí phách đang hành đạo để cứu nước:

“ Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù”

  • Nghệ thuật đối, Động từ mạnh, lối nói khoa trương, giọng điệu cứng cỏi.
  • “Bủa tay ôm chặt bồ kinh thế”: Ước vọng, lí tưởng không thay đổi, bất chấp mọi hoàn cảnh, đó là chí lớn: sự nghiệp kinh bang tế thế.
  • “Mở miệng cười tan cuộc oán thù”: Tiếng cười cất lên sảng khoái, ngạo nghễ với mong muốn dẹp tan oán thù

d. Hai câu kết:

“ Thân vẫn còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”

  • Khẳng định dõng dạc, dứt khóat tư thế con người đứng cao hơn cái chết . là lời thề của người chiến sĩ cách mạng: còn sống còn chiến đấu, ý chí sắt thép ấy không có gì bẻ gãy được

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Hai câu đề:

Mở đầu bài thơ không phải tư thế của người tù khốn khổ, mà là tư thế đường hoàng, hiên ngang:

Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Với Phan Bội Châu, Đấng nam nhi sinh ra trên đời này phải làm việc lớn, phải gánh vác trọng trách của đất nước, vì nhân dân mà phấn đấu và cố gắng hết mình. Phan Bội Châu xem việc ở tù như việc đi mỏi chân thì ngồi nghỉ, coi nhà tù là chỗ nghỉ chân. Cách nói hóm hỉnh về những năm tháng hoạt động bôn ba, vất vả của Phan Bội (lúc ở Nhật, lúc sang Thái Lan, lúc ở Trung Quốc)… Bốn tiếng “thì hãy ở tù” như nói với chính mình, chủ động “nghỉ chân”khi đã mỏi mệt. coi nhà tù chỉ là chốn tạm nghỉ lấy sức để đi tiếp -> thái độ bình tĩnh, chủ động trước tai ương, hoạn nạn, thể hiện khí phách của một anh hùng hào kiệt coi thường hiểm nguy -> là bản tuyên ngôn khẳng định tư thế làm người của tác giả.

2. Hai câu thực:

Hai câu tiếp theo, Phan Bội Châu nhìn lại cuộc đời mình ở hiện tại và ở quá khứ với một tư thế bình tĩnh :

Đã khách không nhà trong bốn biển

Lại người có tội giữa năm châu

Trong hai câu thơ này, giọng điệu pha chút trầm lặng, đầy màu sắc cảm khái nhưng không phải là giọng than thân. Nhà thơ có buồn cho thân phận mình nhưng cái mà ông quan tâm hơn chính là đau xót cho số phận dân tộc. Cách sử dụng quan hệ từ: "đã…...lại" đã làm tăng cấp cho hoàn cảnh ngặt nghèo. Nỗi đau đớn của người anh hùng cứu nước trong hoàn cảnh tù đày (vừa bi, vừa hùng)Đây không phải là lời than thở mà biểu hiện một tâm trạng đau đớn của người tù trong hoàn cảnh trớ trêu. cho ta thấy cuộc đời cách mạng đầy sóng gió, một tâm hồn cao đẹp, giàu đức hi sinh….Gắn tình cảnh cuộc đời riêng với tình cảnh chung của đất nước

3. Hai câu luận:

“ Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù”

Hai câu thơ cất lên từ chính trái tim của Phan Bội Châu chính là lý tưởng, là lẽ sống, là con đường mà ông đã lựa chọn để cứu dân cứu nước. Tác giả dùng từ "bủa tay" khẳng định chắc nịch và mạnh mẽ lý tưởng ấy. Dù trong quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, không nhà không cửa nhưng ông vẫn quyết theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Các động từ “dang tay”, “mở miệng”, dùng lối nói quá khoa trương nhằm nhấn mạnh con người không nhỏ bé trong vũ trụ nữa mà trở nên lớn lao đến mức như thần như thánh. Câu này có quan hệ đối lập với câu thơ trên, cho thấy khí phách và ý chí của nhà cách mạng không hề nao núng.

4. Hai câu kết:

“ Thân vẫn còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”

Câu thơ như một lời thề sắt son, như một lời tuyên ngôn của một người đang chịu cảnh lao tù tăm tối. Nhưng dường như chốn ngục tù ấy không thể giam cầm nổi một con người, một tấm lòng trung đối với đất nước. Ông khẳng định “thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp” khẳng định niềm tin sắt đá vào thành công của sự nghiệp, ý chí sắt thép không gì bẻ gãy được. Câu thơ mang tính hướng nội động viên, khích lệ mình và khẳng định: Phan Bội Châu còn sống, trái tim còn nhịp đập thì còn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cách mạng. Đó là bản lĩnh. Đó là tất cả hội tụ để làm nên một nhân cách vĩ đại – nhân cách nhà chí sĩ yêu nước

5. Tổng kết

  • Nội dung: Cảm hứng mãnh liệt, hào hùng vượt lên trên hiện tại khắc nghiệt của cuộc sống tù đày của người anh hùng Phan Bội Châu
  • Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, sử dụng phép đối chặt chẽ, giọng thơ đầy hào khí, ngạo nghễ mà dí dỏm… 
  • Ý nghĩa: Vẻ đẹp và tư thế của người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu