Những suy nghĩ và cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về quê hương, đất nước Việt Nam trong phần cuối của bài thơ.
* Đất nước đau thương
- Những câu thơ còn lại của bài thơ diễn tả tội ác của giặc và nói lên cảm hứng tự hào về thế phản công, những chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến.
- Hình ảnh thơ giàu giá trị tạo hình: cánh đồng quê, bầu trời chiều tượng trưng cho cuộc sống thanh bình, yên ả. Nhưng tất cả đã bị phá nát kể từ khi xuât hiện kẻ thù xâm lược. Hình ảnh ẩn dụ “cánh đồng quê chảy máu”, “trời chiều” bị “đâm nát” gợi nỗi đau xót xa về một đất nước đau thương, rách xé trong chiến tranh.
- Kẻ thù đã hủy hoại cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân ta.
- Lối nói cường điệu (bát cơm chan đầy nước mắt), hàng loạt động từ chỉ hành động áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân phong kiến (giằng, đè, lột). Đoạn thơ chất chứa căm thù, là bản cáo trạng đanh thép vạch trần tội ác kẻ thù.
==> Chính tội ác ấy đã làm cho nhân dân ta căm hờn mà quyết tâm đứng dậy đánh cho chúng tan hoang, đánh cho chúng không còn đường chạy.
* Đất nước quật khởi huy hoàng
- Khổ thơ kết thúc là những hình ảnh có thực về những người dân từ bùn đất đứng lên nhưng đồng thời cũng là sự khái quát về tương lai tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ không chỉ thuyết phục người đọc về ý mà còn gây nên những ấn tượng mạnh nhờ những hình ảnh thực tế nhưng lại giàu chất so sánh, tượng trưng.
- Nghệ thuật đối có sức gợi cảm mạnh mẽ, một bên là sự tàn bạo của quân xâm lược, một bên là quyền sống chính đáng của nhân dân ta.
- Tất cả những hình ảnh trên kết hợp lại thành một biểu tượng của đất nước.
- Những câu thơ cuối lấy chất liệu hiện thực từ trận đánh Điện Biên Phủ.
==> Khổ thơ là một sự khám phá về chủ nghĩa anh hùng của đất nước, từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương quật khởi chiến thắng vang dội.