Những hoạt động chính trong dịp tết Ý nghĩa phong tục..
Ở Tây Nam bộ, trước khi đến Tết nguyên đán cổ truyền (theo âm lịch), đó là thời gian gắn liền với mùa thu hoạch. Nông dân vừa thu hoạch lúa (đối với lúa mùa) vừa làm các món ăn hay dùng trong ngày Tết, như: cốm dẹp, bánh phồng, bánh tráng (bánh đa)…. Do có truyền thống chưng các loại hoa quả trong ngày Tết nên trong những ngày giáp Tết, các chợ đều nhộn nhịp, bày bán nhiều hoa quả. Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp) là ngày đưa các vị thần khác về trời (ngày 24 tháng chạp), kế đến là ngày đưa ông bà tổ tiên về trời (ngày 25 tháng chạp). Đối với những người có mộ phần người thân gần nhà thì trước và trong ngày này phải ra mộ phần làm cho sạch gọn: nhổ cỏ, quét lá cây… (muốn sửa chữa lớn phải đợi đến Tết Thanh Minh). Chiều ngày 30 Tết, lại cúng tất niên mời tất cả các vị thần và “rước” ông bà về nhà. Tuy có nguồn thực phẩm dồi dào nhưng trong những ngày Tết, người miền Tây có xu hướng sử dụng thức ăn nấu sẵn như thịt kho tàu, tôm khô, cá khô, bánh tét, bánh chưng, các loại dưa muối… Theo quan niệm cổ truyền, ngày Tết là những ngày nghỉ nên không nhất thiết phải bày biện rườm rà khi ăn uống. Có khách chỉ cần tôm khô, dưa củ kiệu với bia, rượu là đủ.