Hải Phòng là thành phố duyên hải nằm ở hạ lưu con sông Thái Bình, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là một trong 5 đô thị loại 1 cấp quốc gia và là thành phố có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế miền Bắc..

Từ xa xưa, Hải Phòng luôn được biết đến với tên gọi “Thành phố cảng”. Cảng Hải Phòng là cụm cảng lớn thứ hai ở Việt Nam và là cụm cảng lớn nhất miền Bắc. Đây cũng là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam. Với đặc tính của vùng biển nơi đây sâu, dễ dàng xây dựng những cảng biển lớn tạo điều kiện cho Hải Phòng giao thương, buôn bán với nước ngoài. Đường bờ biển của Hải Phòng dài 125km, có trên dưới 40 cảng khác nhau với đủ mọi loại hàng hóa tập kết tại đây. Với tiềm năng sẵn có của mình, hải cảng ở Hải Phòng đang được Chính phủ đầu tư, mở rộng và nâng cấp để có thể phát triển đúng với tiềm năng thực sự của mình. Theo ước tính, sau khi mở rộng và nâng cấp đến năm 2020 lượng hàng qua cảng Hải Phòng dự kiến đạt từ 110-120 triệu tấn, vượt xa so với công suất tối đa hiện nay.

Ngoài cụm cảng, giao thông của Hải Phòng cũng rất phát triển với hệ thống đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường giao thông đô thị được đầu tư, quan tâm phát triển tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trên quy mô toàn miền Bắc.

Là cử ngõ quốc tế của Việt Nam, Hải Phòng có nền kinh tế rất phát triển, đặc biệt từ thời kì Pháp thuộc trở đi. Nếu Sài Gòn có Chợ Bến Thành, Hà Nội có Chợ Đồng Xuân thì ở Hải Phòng có Chợ Sắt. Chợ Sắt đã từng là niềm kiêu hãnh một thời của người Hải Phòng, đặc biệt là trong thời kì bao cấp. Các mặt hàng ở chợ sắt đa dạng, phong phú đến nỗi người ta có thể tìm được bất cứ thứ gì ở đây và người dân còn kháo nhau rằng, nếu không tìm được ở chợ Sắt thì sẽ không tìm được ở bất kì đâu. Khu chợ sầm uất này được xây dựng từ thế kỉ XIX do Pháp đầu tư và nó cũng là con đường giao thương duy nhất thời kì bao cấp nên hàng hóa của các nước Châu Âu, Châu Mĩ đổ về đây nhiều vô kể. Tuy hàng chủ yếu là hàng cũ, đã qua sử dụng nhưng vẫn được người dân ưa chuộng và tìm đến mua. Ngày nay, do chính sách kinh tế của nhà nước thay đổi, chợ Sắt dần dần mất đi vị trí của nó và trở thành niềm kiêu hãnh trong quá khứ của người Hải Phòng mà thôi.

Hải Phòng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên cũng mang đặc trưng của vùng nhiệt đới với ánh nắng chan hòa, sóng biển rì rào rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Ở Hải Phòng có những khu du lịch đẹp, nhiều tiềm năng khai thác như rừng quốc gia Cát bà - khi dự trữ dinh quyển của thế giới, là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh nổi tiếng, đặc biể phong phú về số lượng loài động vật, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, bãi tắm Đồ Sơn với bãi cát trải dài, khí hậu mát mẻ thu hút rất đông khách du lịch đến nghỉ ngơi mỗi năm.

Ẩm thực Hải Phòng là một trong những phong cách chế biến ẩm thực của ẩm thực Việt Nam với nền tảng là nguồn hải sản phong phú của vùng biển Hải Phòng, Vịnh Bắc Bộ và một số đặc sản của địa phương như bánh đa, tương ớt, nước mắm Cát Hải. Ẩm thực của Hải Phòng ở mức trung tính, tức là hương vị ở mức vừa phải, không quá cay cũng không quá mặn hay ngọt nên dù là người miền Bắc, miền Nam hay miền Trung đều có thể thưởng thức được những món đặc sản của Hải Phòng. Khác với ẩm thực Huế, chú trọng vào sự cầu kì trong nguyên liệu, gia vị hay công đoạn chế biến, cũng không quá đặt nặng về việc phối kết mùi vị, ẩm thực Hải Phòng đơn giản khai thác hương vị tươi ngon, sẵn có của nguồn nguyên liệu hải sản của mình. Có lẽ chính điều ấy đã làm nên nét đặc trưng trong ẩm thực của người dân thành phố hoa phượng đỏ. Đến với Hải Phòng, nhất định phải nếm thử những món ăn đặc sắc của vùng đất này. Đó là bánh đa cua, nem cua bể, lẩu cua đồng, bánh mì cay,...Những món ăn ấy đã làm nên linh hồn của ẩm thực Hải Phòng.

Nếu bỏ qua lễ hội chọi trâu - một phong tục độc đáo trong văn hóa đã có từ lâu đời của người Hải Phòng, thì quả thực là một thiếu sót lớn. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là ngày vui nhất trong những ngày hội làng ở Đồ Sơn. Ngày hội này vừa mang tinh thần thượng võ của dân tộc lại vừa là biểu tượng bao đời nay của nền nông nghiệp Việt Nam, con trâu gắn liền với xứ sở trồng lúa nước của người Việt.

Hải Phòng cũng là nơi sản sinh ra những người nghệ sĩ cho nền nghệ thuật nước nhà. Đây là quê hương của nhạc sĩ Phú Quang với tuyệt phẩm “Em ơi Hà Nội phố” đã làm nao lòng biết bao người hâm mộ; nhạc sĩ Duy Thái - được xem là nhạc sĩ tiêu biểu của làng nhạc nhẹ Việt Nam thập niên 90 của thế kỉ trước với những sáng tác mang hơi thở mới của xã hội lúc bấy giờ. Quang Thắng, Thu Phương, Đạo diễn Văn Lượng là những cái tên khán giả Việt đã vô cùng quen thuộc và đó cũng là những người con của xứ đất càng Hải Phòng.