Là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước - nghệ thuật diễn xướng các tích dân gian đã có từ lâu đời của Việt Nam, phường rối Thanh Hải - Thanh Hà đã có lịch sử tồn tại và phát triển tới hơn 300 năm..

Múa rối nước (còn được gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của người Việt, ra đời từ nền văn hóa lúa nước. Từ một nghệ thuật mang tính những yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo, sáng tạo đặc biệt của người Việt.

Có nhiều tài liệu cho rằng, múa rối nước ra đời từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhưng theo những ghi chép của lịch sử, múa rối nước ra đời, hình thành và phát triển dưới thời Lý (1010 - 1225). Ban đầu, múa rối nước thường được biểu diễn vào dịp lễ tế, hội làng, những ngày vui như một hình thức giải trí của nhân dân lao động. Lâu dần, loại hình nghệ thuật này được truyền thụ qua các đời dần dần trở thành một thú vui tao nhã, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt mỗi dịp lễ hội, những ngày Tết đến, xuân về. Phường rối Thanh Hải - Thanh Hà ở Hải Dương là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước dân tộc. Tuy có lúc thăng trầm song những năm gần đây, nhân dân của làng đã gắng sức phục dựng lại nghề truyền thống của làng, của dân tộc chứ không muốn để nghệ thuật độc đáo này bị thất truyền.

Múa rối có ở nhiều nước trên thế giới, nhiều vùng lãnh thổ song chỉ ở Việt Nam mới có múa rối nước. Múa rối nước khác với các hoạt động nghệ thuật sân khấu khác như chèo, tuồng - những loại hình sân khấu dân gian có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc, khi lấy mặt nước làm sân khấu để biểu diễn (hay còn gọi là nhà rối hoặc thủy đình), phia sau có phông che (gọi là tấm y môn). Sân khấu của nghệ thuật múa rối nước được xây dựng như bàn thờ lớn ở sân đình, chùa của người Việt. Xung quanh sân khấu được trang trí cờ, quạt, lọng, cống hàng mã, voi...Trước đây, thủy đình thường được dựng lên ở giữa ao, với kiến trúc cân đối, phông nền là mái đình của vùng nông thôn Việt Nam, với diện tích khá lớn, khoảng tầm 30m2. Ngày nay, thủy đình được xây bằng gạch chắc chắn trên các ao làng, mức nước đảm bảo tầm 0.8m, nước trong thủy đình được hòa phẩm màu xanh lục, khoảng trống trước mặt buồng trò là sân khấu chính để các nhân vật xuất hiện.

Con rối trong múa rối nước là một nhân tố quan trọng trong buổi biểu diễn. Mỗi một con rối là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của người nghệ sĩ. Con rối được làm bằng gỗ sung, một loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được tỉ mẩn gọt giũa, tạo hình với những đường nét sắc sảo sau đó được đánh bóng và trang trí bằng những màu sơn khác nhau để tạo nên những nhân vật với tính cách khác nhau. Hình dáng của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính tình hài hước và mang tính tượng trưng cao. Bởi nhiều ý kiến cho rằng, con rối chính là sứ giả của thế giới tâm linh, là cái hồn của người trần và cũng là con đường để kết nối thế giới trần thế với thế giới thần linh. Có những con rối chính trong các buổi diễn là chú tễu, rồng, thuyền rồng, rùa, rắn, cá, lân, con trâu, người nông dân...Phẩn thân rối nổi trên mặt nước còn phần chìm phía dưới được gắn thêm bánh lái, phao hoặc dây để người nghệ sĩ có thể điều khiển con rối tạo thành các hành động trên sân khấu. Rối nước tạo cho người xem những cảm giác ngạc nhiên, bất ngờ, kì ảo vừa thực vừa hư bởi cái nghịch lý của chính loại hình nghệ thuật độc đáo này: con rối bé, vô tri vô giác nhưng lại giống như thật. Chúng cũng có cảm xúc, cũng vui buồn hờn giận, cũng biết nói biết cười nhưng ai cũng biết đó là những con rối.

Điều đặc biệt của nghệ thuật múa rối nước là phân cảnh trên sân khấu được biến đổi liên tục, từ những cảnh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người đến khung cảnh thoát tục của chốn thần tiên với tiên nữ, thánh thần. Con rối là nhân vật trên sân nhưng không phải là diễn viên trên sân khấu bởi nó được điều khiển bởi người nghệ sĩ giấu mình phía sau tấm y môn.

Bí quyết của phường rối nước Thanh Hải Thanh Hà chính là ý thức giữ gìn nghệ thuật cổ. Bởi họ luôn tìm cách kết hợp hai yếu tố hiện đại và truyền thống trong cách tích trò của mình với nghệ thuật biểu diễn rối dây - một trong những kĩ thuật biểu diễn khó nhất của làng rối nước. Để vực dậy cả một phường rối, những người nghệ sĩ ở Thanh Hải - Thanh Hà đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Những năm đầu vực lại phường rối, không có kinh phí, không được hỗ trợ, các nghệ nhân của phường đã phải đi vận động bà con lối xóm ủng hộ để dựng thủy đình, mua gỗ làm con rối,...Dành cả đam mê, nhiệt huyết cho múa rối nước, những người nghệ sĩ phải ngâm mình hàng giờ dưới bùn để tập diễn các tích trò. Hiện nay, nhờ sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ, từ 5 tích trò ban đầu, phường rối Thanh Hải - Thanh Hà đã có tới 18 tích trò. Mỗi buổi biểu diễn sẽ diễn khoảng 10-11 tích trò, mỗi tích diễn trong từ 5-10 phút. Những người nông dân hiền lành, chất phác ấy ngày ngày vẫn cày cấy, miệt mài trên đồng áng. Chờ tiếng trống hội gióng lên, họ lại tất bật, rộn rã cùng con rối của mình đi khắp đó đây, mang tiếng cười cho con trẻ, đem sự bình yên của thôn làng đến khắp nơi. Và điều quan trọng là họ mang đến sức sống cho nghệ thuật sân khấu truyền thống của cha ông, khiến chúng còn sống mãi trong lòng người Việt.