Đề bài: Nếu là người chứng kiến cuộc trò chuyện giữa cậu bé Hồng và bà cô trong văn bản Trong lòng mẹ, em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào?.
Mỗi chúng ta sinh ra không ai có thể tự lựa chọn gia đình của mình. Có những đứa trẻ may mắn, cũng có những đứa trẻ lại bất hạnh. Hồng cũng là một số phận không may mắn. Tuy chỉ là hàng xóm. không hiểu hết mọi chuyện, nhưng tôi cũng biết được hoàn cảnh của cậu. Tôi eaast thương cậu, đặc biệt khi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa Hồng và cô cậu.
Người trong làng ai cũng biết chú bé Hồng, thầy mất, mẹ lại bỏ quê đi. Tôi bằng tuổi Hồng nhưng không chơi với cậu. Hồng có lẽ không để ý còn tôi lại âm thầm dõi theo cuộc sống của cậu. Tôi khâm phục nghị lực ở cậu bạn nhỏ bé ấy.
Một hôm, tôi đang ra vườn hái rau thì nghe tiếng nói chuyện bên nhà Hồng. Vườn nhà tôi ở sát vách nhà câu nên tiếng nói chuyện nghe rõ mồn một. Tôi kiễng chân còn nhìn thấy toàn cảnh qua khe hở. Tôi thấy Hồng đã bỏ đi khăn tang trắng, tôi nhớ ra đã gần đến ngày giỗ đầu thầy cậu. Tôi thấy bà cô Hồng mỉm cười diễn kịch, cất giọng cay độc:
-Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?
Nét mặt Hồng hơi khác lạ, dường như phân vân điều gì đó, chắc hẳn cậu cũng muốn gặp mẹ lắm. Nhưng dường nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và nét mặt khi cười kia, hồng lại cúi đầu, không đáp. Tôi nghe người lớn nói cô Hồng ghét mẹ cậu, bà ta chỉ muốn gieo rắc vào đầu óc Hồng những hoài nghi để cậu khinh miệt và ruồng rẫy mẹ. Mẹ Hồng là một người đàn bà mang tội góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con bỏ cái đi tha hương cầu thực. Mọi người không ưa cô ấy, nhưng tôi hiểu Hồng yêu mẹ của mình. Làm sao tình yêu thương, kính mến mẹ của một người con lại bị những rắp tâm dơ bẩn xâm phạm, lay chuyển? Khi tôi đang miên man suy nghĩ thì Hồng đã cười đáp lại:
- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.
Bà cô nghe thế vẫn dùng cái giọng ngọt ngào hỏi luôn:
- Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu?
Rồi hai con mắt long lanh của cô ta chằm chặp xoáy vào đứa cháu đang ngồi trước mặt. Hồng im lặng, đầu cúi xuống đất. Tôi thoáng thấy khóe mắt cậu ấy đỏ lên. Cô Hồng vẫn không buông tha mà vỗ vai cậu cười nói:
- Mày dại quá cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ.
Hai tiếng “em bé” ngân dài ra, xoắn vào nỗi đau trong tâm hồn một đứa trẻ. Như không thể kìm nén, nước mắt Hồng ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi rơi xuống đầm đìa ở cả cằm và cổ. Mắt tôi cũng bất giác cay cay, mẹ Hồng đã chịu bao đắng cay. Thành kiến xã hội đã đẩy bà rời bỏ anh em Hồng, nỗi đau ấy xót xa biết chừng nào.Tôi giật mình nhìn Hồng cười dài trong tiếng khóc, hỏi cô:
- Sao cô biết mợ con có con?
Bà cô vốn không hề quan tâm nỗi đau của cháu ruột, vẫn cứ tươi cười kể các chuyện cho. Nào là một bà họ nội xa vào trong Thanh Hóa cân gạo về bán. Một hôm đi qua chợ thấy mẹ Hồng ngồi cho con bú ở một bên rổ bóng đèn. Mẹ Hồng ăn mặc rách rưới, mặt mày xanh xao, người thì gầy rạc đi, thấy thế bà ta thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ cậu vội quay đi, lấy nón che mặt. Bà ta say sưa kể mãi, còn Hồng thì nét mặt ngày càng thay đổi. Giống nhưu nghẹn lại, khóc không thành tiếng. Tôi nghe còn thấy xót xa, huống chi là Hồng. Một lát sau, cô cậu bỗng đổi giọng, vừa vỗ vai vừa nhìn vào mặt Hồng, nghiêm nghị nói:
- Vậy mày hỏi cô Thông chỗ ở của mợ mày, rồi đánh giấy cho mợ mày, bảo dù sao cũng phải về. Trước sau cũng một lần xấu, chả nhẽ bán xới mãi được sao?
Thông có lẽ là tên người đàn bà họ nội xa kia.
- Mấy lại rằm tháng tám là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày cũng phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ? Bà cô vẫn tiếp tục những lời nói cay độc của mình.
Hai người còn nói chuyện thêm nữa, nhưng tôi phải về ngay để nấu cơm cho mẹ. Tôi tần ngần rời khỏi vườn, lòng man mác buồn khi nghĩ đến khuôn mặt xót xa, đầy nước mắt của Hồng. Cùng là trẻ con nhưng cậu ấy lại không được đón nhận tình thương từ một gia đình trọn vẹn. Câu chuyện cứ quẩn quanh ám ảnh trong tâm trí tôi về số phận, cuộc đời của những hoàn cảnh bất hạnh.