Nếu được đến Ấn Độ du lịch, em mong muốn tham quan di sản văn hóa nào nhất? Vì sao?.

Câu 1. Nếu được đến Ấn Độ du lịch, em mong muốn tham quan di sản văn hóa đền Taj Mahal

  Đền Taj Mahal còn được gọi là lăng mộ Taj Mahal tọa lạc bên hữu ngạn của sông Yamuna, quận Agra, Uttar Pradesh. Lăng mộ nổi tiếng này của Ấn Độ được xây dựng dưới thời hoàng đế Mughal Shah Jahan vào năm 1632 để tưởng nhớ tới vợ của mình. Toàn bộ quần thể lăng mộ có diện tích rộng lớn lên tới 17ha. Lăng mộ được xây dựng bởi những người thợ giỏi nhất về các lĩnh vực khảm, đá, chạm khắc, thợ xây mái vòm. Đây là công trình kiến trúc vĩ đại bậc nhất của người Hồi giáo tại Ấn Độ thu hút du khách tham quan.  

  Đền Taj Mahal là điểm hàng đầu không nên bỏ qua khi ghé thăm thành phố Agra. Đây là ngôi đền trở thành biểu tượng của du lịch Ấn Độ, ấn tượng với màu cẩm thạch trắng thu hút du khách tham quan. Ngôi đền nổi tiếng này vốn là món quà mà vua Shah Jahan cho xây dựng để dành tặng cho người vợ của mình là hoàng hậu Mumtaz Mahal.

  Vào năm 1631 khi hoàng hậu qua đời, khiến nhà vua vô cùng thương tiếc và đã cho xây dựng lăng mộ này để thể hiện tình yêu của mình. Chính nhà vua là người đã giám sát toàn bộ quá trình xây dựng lăng mộ, với rất nhiều công sức và tiền của. Sau 22 năm xây dựng ngôi đền mới hoàn thành xong, tiêu biểu cho công trình Hindu, Ba Tư và Hindu đẹp tuyệt mỹ. 

  Giờ đây, Taj Mahal vẫn diễm lệ, lung linh đổi màu theo những thời khắc trong ngày và càng đẹp huyền diệu hơn dưới ánh trăng rằm. Taj Mahal đẹp xuất sắc, đẹp hoàn mỹ đến mức nằm ngoài khả năng biểu đạt của các mỹ từ miêu tả.

Câu 2. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến văn hóa Champa

Ảnh hưởng của kiến trúc Ấn Độ đến nghệ thuật xây dựng tháp Chăm

  Thời cổ trung đại, Ấn Độ đã có một nền nghệ thuật phong phú, đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là kiến trúc, điêu khắc. Thời Harappa, nhà cửa chỉ mới xây bằng gạch, đến vương triều Morya nghệ thuật kiến trúc đá mới bắt đầu phát triển mà các công trình tiêu biểu là cung điện, chùa tháp, trụ đá.

  Champa đón nhận dòng chảy của nền văn minh Ấn Độ từ biển Đông. Một điều dễ nhận thấy kiến trúc đi cùng với tôn giáo. Hầu hết, các công trình kiến trúc Chăm đều phục vụ cho nhu cầu tôn giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử Champa, vương triều nào khi lên nắm quyền đều cho xây dựng hoặc trùng tu công trình tôn giáo để chứng tỏ sức mạnh, nhưng quan trọng hơn cả vẫn nhằm vào mục đích tạ ơn thần linh, qua việc dâng lễ vật cúng cho đền tháp vì đã phù trợ sức mạnh và chiến thắng cho vương triều.

  Vật liệu cơ bản và chủ yếu để xây dựng đền tháp là gạch và đá. Có thể nói, người Chăm là bậc thày về kỹ thuật chế tác gạch, trải qua bao thế kỷ, những tháp gạch Chăm vẫn còn tươi rói, màu sắc ánh hồng, vàng, kết dính với nhau một cách kỳ lạ mà nhiều nhà khoa học còn chưa thể giải mã hết. Trên thân tháp bằng gạch, những thợ điêu khắc đã chạm trổ hoa văn, những con vật thiêng liêng của Hindu giáo hay cảnh sinh hoạt trong cung đình, rất sinh động và chân thật. Đặc điểm của gạch Chăm là mềm, xốp nên khi dựng xong hình thể, dáng tháp hoàn chỉnh, sau đó sẽ chạm, khắc, khảm lên tháp những môtip mà nhà vua và nhân dân muốn gởi gắm vào. Tháp Chăm thường gồm 3 tầng, tầng trên cùng đặt các vị thần quốc giáo, tầng giữa thường diễn tả hoạt động sống của cung đình, tầng đế là tầng âm chỉ gia cố nền móng cho vững chắc không có trang trí. Mỗi một ngôi tháp chỉ có một lối vào chính, cũng là vị trí đặt các nhân thần (vua được thần thánh hóa), đồng thời là thực hành các nghi lễ chính thức vào những ngày lễ trọng đại của Bàlamôn giáo. Các mặt còn lại đều là cửa giả và đóng kín. Hình thể của một tháp Chăm bao giờ cũng thu nhỏ dần khi càng lên cao. Trên chóp đỉnh thường đặt một linga. Người Chăm đã tiếp thu kỹ thuật xây dựng tháp từ Ấn Độ, nhưng qua bàn tay kỹ sư Chăm các khối tháp trở nên hài hòa, cứng rắn, mạnh mẽ, gần gũi, đầy bí hiểm. Quan sát tháp ở bất cứ vị trí nào và vào lúc nào cũng thấy nét uy nghiêm tráng lệ.