Nhắc tới Hà Nội người ta sẽ nghĩ tới một thành phố đông đúc chật chội với cuộc sống hiện đại và cả cái nhịp sống hối hả, vội vã mà chỉ cần dừng lại ta sẽ cảm giác ta đang cách người phía trước rất xa. Nhưng kì thực, Hà Nội không như thế, Hà Nội là một thành phố đáng yêu, nhẹ nhàng với những con phố cổ kính, những con đường rợp bóng cổ thụ và cả những con người thân thiện, dễ gần nữa.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”
Nhắc tới Hà Nội người ta sẽ nghĩ tới một thành phố đông đúc chật chội với cuộc sống hiện đại và cả cái nhịp sống hối hả, vội vã mà chỉ cần dừng lại ta sẽ cảm giác ta đang cách người phía trước rất xa. Nhưng kì thực, Hà Nội không như thế, Hà Nội là một thành phố đáng yêu, nhẹ nhàng với những con phố cổ kính, những con đường rợp bóng cổ thụ và cả những con người thân thiện, dễ gần nữa. Thành phố ấy kì lạ lắm, bởi chỉ cần lỡ yêu thì cả đời sẽ không thể thôi nhớ về một Hà Nội đỏng đảnh khi xuân về, gay gắt mỗi lúc hè sang, nồng nàn, dịu dàng hương hoa sữa mỗi độ thu về, hay cái se se lạnh những ngày đông.
Hà Nội là thành phố nằm ở trung tâm của vùng kinh tế Bắc Bộ, nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú cũng là thủ đô nghìn năm văn hiến của đất nước. Là vùng đất với địa thế đắc địa, như Lý Công Uẩn khi quyết định dời đô từ thành Đại La về Thăng Long đã nhận ra “thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng phẳng, đất đai cao mà thoáng...” nên suốt nghìn năm qua, Hà Nội vẫn chuyển mình không ngừng, phát triển hòa nhập với dòng chảy của sự hiện đại. Thế nhưng, hiện đại là thế, phát triển là thế nhưng người Hà Nội vẫn muốn giữ được nhưng bản sắc truyền thống, mang đậm chất Hà thành trong cốt cách, trong cuộc sống hàng ngày và trong cả cách cư xử của mình với mọi thứ xung quanh.
Truyền thống hiếu học là một truyền thống của dân tộc Việt Nam, Hà Nội cũng không phải là một vùng đất ngoại lệ. Ngôi trường được xem là trường đầu tiên của người Việt được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông - chính là Văn Miếu Quốc Tử Giám (nằm tại số 58 Quốc Tử Giám) bây giờ. Hà Nội cũng là thành phố tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước, với nhiều trường đại học có chất lượng đào tạo hàng đầu cả nước và bề dày lịch sử hàng trăm năm như trường đại học Quốc Gia, Đại học Y, Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Bách Khoa,...Cùng với đó, hệ thống trường trung học phổ thông với các trường chuyên lâu đời như THPT chuyên Chu Văn An (thành lập từ năm 1908) còn được gọi là trường Bưởi, trường Chu; trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; THPT chuyên Nguyễn Huệ,...Giáo dục đã làm nên bộ mặt mới của thế hệ trẻ của mảnh đất này: vừa nhẹ nhàng, thanh lịch, lại vừa năng động hiện đại.
Sẽ thật thiếu sót khi nhắc về Hà Nội mà không nhắc đến những địa danh mà mới chỉ nghe tên, người ta đã muốn đặt chân ngay tới để chiêm ngưỡng, để thăm thú và nghỉ ngơi. Hà Nội lộng lẫy với ánh đèn rực rỡ và hồ Gươm yên lặng giữa lòng thành phố. Đã từ lâu, người Hà Nội đã quen dạo quanh Hồ Gươm mỗi buổi chiều, sau một giờ làm việc mệt mỏi. Cái nhộn nhịp tấp nập của xe cộ, phố xá, cái hối hả, vội vã của cuộc sống, cả cái gánh nặng cơm áo gạo tiền dường như lắng lại và tạm bị quên đi trong cái gió hiu hiu se se dịu mát hồ Gươm. Những khi ấy, sao người ta thấy yêu Hà Nội đến nao lòng. Trái với sự tấp nập, ồn ào của hồ Gươm, hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc trung tâm thành phố Hà Nội. Đây cũng là hồ tự nhiên lớn nhất của Hà Nội với chu vi 18km. Đây cũng được xem là nơi có lãng mạn thu hút được nhiều khác du lịch và được người dân thủ đô đặc biệt yêu quý. Hà Nội còn là nơi đặt lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già vĩ đại của dân tộc. Mỗi ngày, người dân Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung vẫn về đây để thăm lăng, nhìn ngắm con người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.
“Uống chung một chén Bát Tràng
Rồi mai em có sang ngang cũng đành
Áo hồng, men ngọc, tóc xanh
Dòng sông quê mãi long lanh mộng vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”
Những câu thơ cứ trầm bổng, vang vọng, cứ mơn trớn, đưa đẩy như của chàng trai với cô gái cũng khiến cho bất cứ ai cũng mê mẩn với gốm Bát Tràng - làng nghề truyền thống từ thế kỉ thứ XIV, của làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Gốm Bát Tràng có nhiều mẫu mã và loại men truyền thống được các nghệ nhân của làng phục hồi và trở thành một sản phẩm văn hóa độc đáo của người Hà Nội. Quanh quẩn trong khu phố cổ với 36 con phố, người ta như lạc vào thế giới của những giai thoại về làng nghề. Bởi mỗi một con phố ở đây đều được đặt tên thành các hàng: Hàng Mã, Hàng Bài, Hàng Vôi, Hàng Bột,...Tên thế nào thì bán thứ ấy. Có lẽ đây cũng chính là đặc điểm độc đáo để 36 phố cổ của Hà Nội không chỉ trở thành đề tài cho thơ ca, nghệ thuật mà còn trở thành địa điểm thăm thú, nghỉ dưỡng của rất nhiều người. Ngoài ra, Hà Nội còn rất nhiều những làng nghề nổi tiếng khác, đó là làng the lụa nổi tiếng ở Hà Đông - lụa Vạn Phúc, làng Cốm Vòng, nghề vẽ tranh truyền thần của những nghệ nhân phố cổ,...Tất cả những làng nghề truyền thống ấy như có một sức hút đến kì lạ với những bất kì ai đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất này.
Bao giờ cũng thế, ẩm thực sẽ là nét đặc trưng cho văn hóa, phong tục của một vùng đất. Đến với Hà Nội, có những thức quà ta không thể không thưởng thức, bởi nếu bỏ qua những món ăn ấy, tức là coi như ta chưa từng tới Hà Nội. Đó là cốm làng Vòng với hạt cốm dẻo, thơm, vàng và còn vị ngọt của nếp non; là bánh cuốn Thanh Trì trắng muốt, mỏng và mịn, thơm và mềm chấm với thứ mắm với tinh dầu của con cà cuống, đậu phụ rán nóng và chả quế của người Thanh Trì. Đó còn là món chả cá Lã Vọng, món ăn của gia đình họ Đoàn phố Hàng Sơn (là số 14 phố Chả cá ngày nay), tạo nên thương hiệu, danh tiếng và thay đổi cả tên con phố. Đó là món phở của người Hà Nội, là món bún chả, bún nem, bánh tôm Hồ Tây,...
"Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"
Tràng An là cái tên để chỉ Hà Nội được dùng trong các áng văn chương. Nhưng cái tên ấy không chỉ để chỉ về mảnh đất Hà Nội mà hơn thế nó còn để ca ngợi sự thanh lịch, tinh tế, nhẹ nhàng của con người nơi đây. Cái thanh lịch của người Hà Nội thể hiện ở cách ứng xử, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, trong cách ăn mặc và trong cả cách giao tiếp của họ. Người Hà Nội rất chú trọng tới lời ăn tiếng nói hàng ngày bởi “lời nói gói vàng”, họ nói bằng một giọng rất nhẹ nhàng, từ tốn với cách phát âm chuẩn xác, từ ngữ được chọn lọc thể hiện sự tôn trọng, ý nhị với người đối thoại. Họ không ưa cách nói thô lỗ, cộc cằn.
Nền ẩm thực của đất Tràng An đa dạng là thế, phong phú là vậy thì cũng phải kể đến những con người Tràng An sành ăn, giỏi nấu nướng. Những cô gái đất Hà Thành, các bà các mẹ Hà Nội rất giỏi nấu nướng và việc nấu nướng đã được họ nâng lên thành nghệ thuật. Nếu để ý, ta sẽ thấy món ăn của người Hà Nội rất ngon, ngon từ cách chế biến đến cách bày biện. Sự cẩn thận, tỉ mỉ trong cách lựa chọn, bày biện; sự tinh tế trong cách phối hợp các nguyên liệu đã khiến cho ẩm thực của Hà Nội mang phong vị rất riêng, chỉ Hà Nội mới có chứ không ở đâu có cả.
Trong ăn uống, người Hà Nội rất ý tứ, ăn từ từ, mời nhau nhường người khác gắp trước và gắp cho khách miếng ngon. Một nét nữa làm nên sự thanh lịch là trang phục của người Hà Nội. Họ thích sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã. Người Hà Nội mặc đơn giản, đẹp nhưng kín đáo, không lòe loẹt, phô trương. Họ cũng không bảo thủ, cố hữu mà tiếp thu những cái mới rất nhanh, nhưng vẫn biết cách lựa chọn những bộ trang phục nền nã, lịch sử, đầy ý nhị.
Sự thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện trong cả cách làm ăn, giao tiếp, trong kinh doanh với đối tác bởi đã từ lâu, Hà Nội là trung tâm kinh tế văn hóa, giao thương nên người Hà Nội đã tiếp thu mọi tinh hoa, phẩm chất của bốn phương mà tạo nên chất thanh lịch của riêng mình.