Lựa chọn thành tựu thuộc một lĩnh vực của văn minh Đại Việt, thực hiện theo nhóm, tổ và xây dựng bài thuyết trình rồi trình bày trước lớp..
Tranh dân gian gồm hai loại, tranh Tết và tranh thờ. Tranh dân gian có nguồn gốc từ rất xa xưa được giữ gìn, bảo tồn và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Tranh dân gian không những là tài sản riêng của các làng tranh mà còn là tài sản chung của cả dân tộc.Việt Nam với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và nhân hoá các hiện tượng thiên nhiên thành các vị thần nên cùng với tranh Tết, tranh thờ cũng có rất sớm. Cả hai đã trở thành nhu cầu của nếp sống văn hoá, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hoá truyền thống của dân tộc.
Do nhu cầu của tục chơi tranh Tết và thờ cúng, tranh dân gian phải có số lượng lớn nên người Việt Nam từ lâu đã biết đến kỹ thuật khắc ván để in. Vào thời Lý (thế kỷ 12) đã có những gia đình chuyên làm nghề khắc ván. Cuối thời Trần đã in được tiền giấy. Đến thời Lê Sơ lại tiếp thu thêm kỹ thuật khắc ván in của Trung Quốc và cải tiến thêm một bước nữa. Cũng từ đây, trong dòng chảy của mỹ thuật truyền thống – dân gian bắt đầu có sự phân hóa để ngày càng phát triển đậm nét.
Trong bối cảnh đó, đến thời Mạc (thế kỷ 16) tranh dân gian phát triển khá mạnh, được cả các tầng lớp quý tộc ở kinh thành Thăng Long sử dụng vào dịp Tết mà bài thơ Tứ thời khuê vịnh của nhà thơ đương thời Hoàng Sơ Khải đã xác nhận sự hiện diện của các loại tranh thờ, tranh gà và tranh Tố nữ:
“Chung Quỳ khéo vẽ nên hình
Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà
Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm
Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương”
Đến thế kỷ 18 – 19 tranh dân gian Việt Nam đã ổn định và phát triển cao. Bảo tàng Lịch Sử (Hà Nội) còn giữ được những ván khắc từ thời Minh Mạng thứ 4 (tức 1823). Địa bàn làm tranh dàn trải trong cả nước. Dựa theo phong cách nghệ thuật, kỹ thuật in vẽ và nguyên vật liệu làm tranh, có thể quy về một số dòng tranh gọi theo tên những địa danh sản xuất.
Mỗi dòng tranh có một phong cách riêng, song tất cả đều được dựng hình theo kiểu “đơn tuyến bình đồ” dùng nét khoanh lấy các mảng màu và bao lại toàn hình. Với lối dựng hình “thuận tay hay mắt”, tranh dân gian không phụ thuộc vào viễn cận một điểm nhìn mà được diễn tả theo lối quan sát di động với nhiều góc độ khác nhau. Thần thánh luôn được vẽ to ở giữa, phía trên, còn người bình thường thì sàn sàn nhau, con vật và cảnh sắc thì tuỳ tương quan mà vẽ to hay nhỏ để bức tranh gây ấn tượng sâu sắc.
Trong giao lưu văn hoá, tranh dân gian Việt Nam vừa phát triển những vốn quý của các thời trước tích tụ lại, vừa tiếp nhận những tinh hoa của các dòng tranh khác để rồi khẳng định những gì thích hợp với dân tộc, làm phong phú hơn bản sắc của mình.
Ngày nay, tranh dân gian đã bị tranh hiện đại lấn át, hầu hết đã thất truyền. Tuy nhiên, có một dòng tranh vẫn còn tồn tại trước những thử thách của thời gian, như tranh Đồng Hồ. Dòng tranh này không những có chỗ đứng ở trong nước mà nó đã và đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Pháp, Mỹ...