Hình tượng người cách mạng Hạ Du hiện lên như thế nào? Qua cuộc bàn luận trong quán trà về Hạ Du, Lỗ Tấn muốn nói lên điều gì?.
- Mặc dù chỉ được miêu tả gián tiếp qua suy tư của nhân vật khác, nhưng hình ảnh Hạ Du có một vị trí đặc biệt, là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Đó là hình tượng người cách mạng giác ngộ sớm, có lí tưởng cách mạng rõ ràng(lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, dành độc lập). Hạ Du là một người dũng cảm hiên ngang, dám tuyên truyền lí tưởng cách mạng với cả người cai ngục trong những ngày chờ lên đoạn đầu đài. Trong truyện, nhà văn tỏ thái độ trân trọng, kính phục nhân cách của người cách mạng Hạ Du nhưng cũng ngầm phê phán Hạ Du xa rời quần chúng, xa rời đến mức mẹ Hạ Du cũng không hiểu, chú Hạ Du thì coi cháu mình là "làm giặc" và đi tố giác để lấy tiền thưởng, người dân lấy máu Hạ Du để chữa bệnh…Tuy nhiên, chính vòng hoa tưởng niệm Hạ Du ở phần kết thúc truyện đã hé mở tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện niềm tin của tác giả, một ngày kia, sẽ chấm dứt bi kịch của người cách mạng tiên phong và quần chúng sẽ được tình ngộ.
- Qua cuộc bàn luận trong quán trà về Hạ Du, Lỗ Tấn muốn nói lên mối quan hệ giữa cách mạng và quần chúng. Đây là thời kỳ đầu của cách mạng, thời kỳ khủng hoảng, cách mạng không gần dân, xa dân quần chúng chưa được giác ngộ. Quần chúng chưa hiểu về cách mạng họ xem những người cách mạng là giặc, là những kẻ chán sống muốn chết. Lời của bác Cả Khang gọi Hạ Du là "thằng quỷ sứ", rồi "cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa thế thôi",... Hình ảnh người cách mạng cô đơn, lẻ loi không được sự ủng hộ của quần chúng. Hạ Du dũng cảm là vậy thế nhưng anh bị xử tử ai cũng nghĩ là đáng, mẹ anh nghĩ con chết oan và còn thấy xấu hổ. Hình ảnh người cách mạng chỉ hiện lên gián tiếp qua lời bàn luận của người dân trong quán trà thế nhưng nó mang dụng ý vô cùng lớn đó là sự khẳng định của Lỗ Tấn về việc Cách mạng xa rời quần chúng. Khi quần chúng chưa biết, chưa hiểu về cách mạng thì sự hy sinh của những người chiến sĩ cách mạng chỉ là vô nghĩa. Vì thế cách mạng cần phải gần dân hơn. Tư tưởng của Lỗ Tấn cũng giống như tư tưởng của Hồ Chí Minh khi người cho rằng nhân dân là gốc rễ của cách mạng " Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong".