Em hãy tìm hiểu một số công trình kiến trúc của Trung Quốc thời phong kiến mà em yêu thích..
Một số công trình kiến trúc của Trung Quốc thời phong kiến:
- Tử Cấm Thành: Tử Cấm Thành còn có tên gọi khác là Cố Cung tọa lạc ngay giữa lòng trung tâm thủ đô Bắc Kinh, bên cạnh quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. Đây từng là cung điện của các triều đại từ thời nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh. Với tổng diện tích là 720.000 mét vuông, Tử Cấm Thành được xây dựng trong suốt 14 năm gồm hơn 980 tòa nhà lớn nhỏ cùng rất nhiều công trình bên trong thành. Tử Cấm Thành được xây dựng trong 14 năm với những vật liệu cao cấp như gạch Tô Châu, ngói men ngọc An Huy, đá quý Phòng Sơn, gỗ quý Phương Nam. Tổng thể công trình gồm có 800 cung điện và 9999 phòng. Ở phía bốn góc là 4 tòa tháp được dựng với kiểu mái phức tạp trượng trưng cho Đằng Vương các và Hoàng Hạc Lâu. Và ở tứ phía đều có mỗi cổng ra vào là Ngọ môn, Thần Vũ môn, Đông Hoa môn, Tây Hoa môn. Đa số mái của các cung điện Tử Cấm Thành đều được lợp ngói lưu ly vàng, đây là màu tượng trưng cho sự vương quyền triều đình Trung Quốc. Màu này trong thuyết ngũ hành là thổ, là gốc của vạn vạn vật người Trung luôn xem đây là màu tôn quý nhất. Các bức tường đều được sơn màu đỏ tươi mang ý nghĩa trang nghiêm, hạnh phúc và may mắn.
- Di Hòa Viên: Di Hoà Viên là công trình kiến trúc cung điện được xây dựng vào thời nhà Thanh với tên gọi là "Cung điện mùa hè". Di Hoà Viên có tổng diện tích với hơn 290 ha với khoảng 3600 gian phòng khác nhau thuộc lối kiến trúc cung điện. Đây không chỉ là một công viên đẹp mà còn là một kiệt tác về nghệ thuật kiến trúc có sự chặt chẽ về mặt phong thủy theo hướng “Phúc - Lộc - Thọ”. Nếu nhìn từ trên cao, Di Hòa Viên có ba bố cục chính là quả đào tượng trưng cho chữ Phúc, con dơi tượng trưng cho chữ Lộc và con rùa tượng trưng cho chữ Thọ. Quả đào chính là hồ Côn Minh. Con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây Môn Quan tạo thành hình cái cuống, con đê hẹp, dài ở phía chếch mặt hồ tạo ra vết rãnh trên quả đào. Còn con dơi được tạo thành từ dãy hành lang men theo hồ Côn Minh ngay sát chân Vạn Thọ sơn tựa xương cánh đang dang ra; đường hành lang hình cánh cung ở bờ bắc hồ Côn Minh thâm nhập vào lòng hồ chính là phần đầu của con dơi; phần nhô ra trên hồ Côn Minh được dùng làm bến thuyền cho du khách chính là mõm của con dơi; hai bên tả hữu đường hành lang này vươn dài là cánh con dơi; núi Vạn Thọ và cái hồ phía sau tạo thành thân của con dơi. Nhìn tổng thể kiến trúc, phần đầu con rùa chính là một hòn đảo nhỏ giữa hồ Côn Minh, còn cây cầu Thập Thất Khổng Kiều, rộng 8m , dài 150m, gồm 17 nhịp liên hoàn là chiếc cổ của con rùa đang vươn dài. Ngoài ra, trong Di Hoà Viên còn có các kiến trúc nổi bật khác như Đông Cung hay Lạc Thọ Đường hay Trường Lang. Có thể nói, Di Hoà Viên là cái nôi trong thiết kế cảnh quan ở Trung Quốc. Với lối thiết kế trọng phong thủy, kết hợp hài hòa giữa nước và vật, họa văn tỉ mỉ, tinh tế, mỗi đường đường nét nét đều được chăm chút từng li từng tí, xứng đáng là tuyệt tác kiến trúc thời nhà Thanh.