Em hãy sưu tầm thông tin và một số hình ảnh về sự phát triển của các đô thị ở châu Âu..
- Phong trào vườn trong phố ở nước Anh: Sự biến chuyển ở nước Anh bắt đầu diễn ra khi có sự gia tăng tầng lớp lao động ở các đô thị, tạo ra các kiểu nhà ở xã hội cho công nhân. Ngoài một phần nhỏ công trình được chính phủ và các tổ chức tài trợ, giúp đỡ thì phần lớn họ phải sống tập trung ở các khu nhà cũ, xuống cấp, trên gác xép bị bỏ hoang hoặc khu cư trú ở các nhà thờ. Trong khi đó, tầng lớp thượng lưu sống trong các dãy nhà cao tầng. Một trong những kiểu nhà nổi bật nhất là Back to Back House – nhà liền kề ở miền Trung và miền Bắc nước Anh. Dãy nhà liền kề có từ 2 đến 3 tầng, đôi khi giống nhau cả về ngoại thất và nội thất, là các phòng đơn lẻ được xếp chồng lên nhau với diện tích dưới 15m2. Ngôi nhà bao gồm 1 bếp ăn nhỏ ở tầng trệt, 2 đến 3 phòng ngủ, 1 gác xép và sân sau. Tuy nhiên, không gian bên trong thường không đủ ánh sáng vì chỉ có 1 mặt tiếp giáp tự nhiên.
Sau đó, mô hình vườn trong phố (Garden Cities) được đề xuất như một giải pháp khả thi và được áp dụng từ những năm 1890, tạo ra một không gian sống độc đáo và riêng tư. Ví dụ như vùng ngoại ô Hampstead, nơi mọi người muốn tạo ra một cộng đồng mà ở đó không có sự phân biệt giai cấp. Khu vườn xung quanh ngôi nhà giúp cư dân kết nối với thiên nhiên.
- Sự mở rộng của Amsterdam: Từ năm 1850 đến 1920, mặc dù dân số Amsterdam tăng gấp ba lần nhưng quy mô thành phố lại không thay đổi. Điều này tạo ra rất nhiều ngôi nhà với diện tích khiêm tốn, chỉ 20m2 cho mỗi gia đình với 1 phòng ngủ và căn bếp nhỏ. Người dân phải tận dụng tất cả các không gian bao gồm cả gác xép và tầng hầm làm nơi sinh sống. Quá trình hiện đại hóa thành phố chỉ thực sự bắt đầu khi Kênh đào Biển Bắc – North Sea canal được thực hiện và “kế hoạch Kalf” thiết lập năm 1875. Vào cuối thế kỷ 19, Michel de Klerk – một kiến trúc sư người Hà Lan đã trăn trở về cuộc khủng hoảng và vạch ra kế hoạch cho dự án nhà ở xã hội. Tiếp đó, sự đổi mới diễn ra từ năm 1913 đến 1921, các tòa nhà được phát triển với nhiều chức năng hơn: vừa là nơi sinh sống vừa là nơi buôn bán, làm ăn, lưu trữ hàng hóa và cả công nghiệp quy mô nhỏ.
Mong muốn mang lại cho mỗi gia đình dù là tầng lớp lao động một nơi ở tốt, các kiến trúc sư đã cải tạo lại các đơn vị nhà ở và thiết kế chúng với phong cách truyền thống của Hà Lan. Với tầng trệt có thể tiếp cận trực tiếp ra bên ngoài, một khu vườn nhỏ ở phía sau tạo ra khoảng lùi riêng tư cho các thành viên trong gia đình. Vì bên ngoài công trình có liên quan đến bộ mặt kiến trúc đô thị nên sẽ có sự thống nhất và đồng bộ với nhau. Các không gian hẹp là nơi đặt cầu thang và nhà bếp, trong khi các vị trí rộng hơn sẽ là ban công. Theo đó, sự mở rộng của thành phố Amsterdam đã lấy người dân làm trung tâm.