1. Trong đoạn trích, con đường, đường đời, đường đi là những từ ngữ được lặp lại nhiều lần ở các câu văn. Những từ ngữ đó cho ta biết rằng, đường đời của mỗi người là vấn đề được tác giả tập trung bàn luận trong đoạn trích.
2. Con đường mà mọi người đi lại hằng ngày là con đường được hình thành, tạo nên trên mặt đất, bằng công sức của con người, với các vật liệu của ngành xây dựng giao thông. Đó có thể là đường đất, đường sỏi đá, đường bê tông, đường nhựa, đường sắt,... Những con đường như thế được thiết kế, thi công bởi kĩ sư, công nhân. Ngược lại, “đường đời” của mỗi người không phải là con đường hữu hình có thể thấy được. Nó trải dài theo thời gian, trên từng bước trưởng thành của mỗi cá nhân. Nó phải do cá nhân tự tạo ra, bằng sức lực, trí tuệ, ý chí của bản thân mỗi người.
3. Trải nghiệm bao giờ cũng gắn với thực tế của mỗi con người. Đó có thể là những gì trong cuộc sống mà người ta nhìn thấy, chứng kiến, hoặc cũng có thể là điều xảy ra với bản thân. Trải nghiệm thường tác động đến tình cảm nhận thức, đem đến cho con người những bài học quý báu, giúp con người ngày càng trưởng thành hơn trên từng bước đường đời.
4. “Sau này mình sẽ là ai? Những gì đang chờ đợi mình phía trước?” – đó là những câu hỏi không ai có thể tự trả lời được một cách chắc chắn, bởi câu trả lời bao giờ cũng nằm ở tương lai, thuộc về những điều chưa tới. Trên từng bước đường đến với tương lai ấy, không ai có thể biết trước được những gì sẽ xảy ra, tác động, chi phối những lựa chọn, quyết định, thành công, thất bại của bản thân.
5. Câu “Mỗi người phải tự “thi công” đường đời của chính mình, “vật liệu” là sức lực, trí tuệ và ý chí của bản thân.” nhắc nhở ta rằng, đường đời của mỗi người là do chính người đó tự làm nên. Những yếu tố bên ngoài có thể có tác động, nhưng không đóng vai trò quyết định.
Đường đời của mỗi người được tạo nên bởi những gì thuộc về bản thân người đó. Ấy là sức lực (học tập, lao động); là trí tuệ (khả năng suy nghĩ để giải quyết các tình huống xảy ra với bản thân, nhận biết những yêu cầu của cuộc sống để đáp ứng); là ý chí (sự kiên trì, bền bỉ thực hiện những dự định được vạch ra).
6. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi le sông.” là một câu nói nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Bá Học được tác giả dẫn ra ở đoạn trích. Câu này có ý nghĩa: Trên đường đời, con người có thể gặp hai loại khó khăn. Một loại khó khăn đến từ phía khách quan, ngoài bản thân mình. Một loại khó khăn thuộc về chủ quan, nằm chính trong bản thân mình. Trong hai loại khó khăn đó, loại thứ hai là đáng sợ nhất, bởi một khi con người còn e ngại, nhụt chí thì không thể tiến lên được. Dẫn ra câu văn này của Nguyễn Bá Học, tác giả nhắc nhở rằng: Muốn thành công trên đường đời, trước hết mỗi người hãy vượt qua tâm lí e ngại khó khăn thường trỗi dậy trong lòng mỗi khi đối mặt với thực tế cuộc sống.