Hình 1: Bãi cọc gỗ đóng dưới lòng sông Bạch Đằng
Trận thắng lớn ở sông Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử Việt Nam, nó đã giúp chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN - 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó
Hình 2: Đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở cố đô Hoa Lư
Đinh Tiên Hoàng vốn họ Đinh, tên Hoàn. Bộ lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lâm phong cho, nên còn gọi là Đinh Bộ Lĩnh. Ông sinh năm 923, quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), ông là con của thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ. Cha mất sớm,hàng ngày, lúc chăn trâu, ông thường cùng trẻ chăn trâu chia phe tập trận. Ông có tài chỉ huy nên được bọn trẻ mến phục. Chúng khoanh tay làm kiệu để rước và cầm lau đi hai bên như "Rước thiên tử". Lớn lên, ông đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Lâm. Do dũng cảm, mưu lược nên được phong làm Bộ Lĩnh. Trần lâm chết, ông đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương chống giặc Ngô và các sứ quân khác.
Năm 965, Triều đình phong kiến suy yếu, các sứ quan phong kiến nổi dậy đánh chiếm, tranh giành đất đai, bóc lột nhân dân. Nhờ "tài năng sáng suốt hơn người, mưu lược nhất đời" lại được nhân dân ủng hộ chỉ một năm Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp tan loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.
Năm Mậu Thìn (968) ông mở nước, dựng đô xưng làm hoàng đế - Tôn hiệu là Đại Thắng Minh và đặt tên nước là Đại Cổ Việt. Đến năm Canh Ngọ (970) ông bắt đầu đặt hiệu nước là "Thái Bình" và cho đúc tiền đồng "Thái bình" – tiền cổ nhất nước ta. Nhờ công lao của ông mà đất nước được thống nhất độc lập và giàu mạnh.
Ở ngôi được 12 năm (968 – 979) ông mất năm Kỷ Mão (979) thọ 56 tuổi.
Hình 3: Tượng vua Lê Đại Hành tạo đền thờ ở Hoa Lư
Lê Hoàn sinh năm 941 theo giúp Nam Việt vương Đinh Liễn. Tính tình phóng khoáng lại có chí lớn, ông được Đinh Bộ Lĩnh khen là "người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản một nghìn quân sĩ" được phong làm Thập đạo tướng quân.
Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi lên nối ngôi. Theo Lịch sử Việt Nam, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính đảm đương việc nước, xưng là Phó Vương và trực tiếp dẹp tan những lực lượng chống đối trong nội bộ triều đình.
Dẹp được hiểm họa nội bộ nhưng đất nước lại đứng trước họa xâm lăng mới từ phương Bắc. Trước tình hình đó, Lê Hoàn được quân sĩ và Dương Thái hậu đồng tình tôn lên ngôi vua thay Đinh Toàn lãnh đạo đất nước chống quân xâm lược
Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, khi ấy 39 tuổi, lên ngôi vua, tức vua Lê Đại Hành, mở đầu vương triều Tiền Lê.