1. So với những văn bản thông tin đã được học từ lớp 6, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô có những điểm khác biệt như sau:

– Về nội dung, đề tài của văn bản là một lễ tục, khác với văn bản Ai ơi mồng 9 tháng 4 thuyết minh về một lễ hội, lại càng khác với các văn bản như Trái Đất – cái nôi của sự sống, Các loài chung sống với nhau như thế nào?, Thuỷ tiên tháng Một vốn đề cập các vấn đề môi trường.

– Về cấu trúc, văn bản này tuy cũng thuyết minh về một sự kiện (theo trình tự thời gian) như Ai ơi mồng 9 tháng 4, nhưng đặt trọng tâm vào việc miêu tả tỉ mỉ các luật lệ phải tuân thủ khi thực hiện lễ rửa làng (quy trình thực hiện, các đồ lễ, nhiệm vụ của những người tham gia, những quy định bắt buộc,...).

2. Nhan đề văn bản tuy rất giản dị nhưng có thể gợi lên ở người đọc khá nhiều câu hỏi: Thế nào là lễ rửa làng? Lễ này có ý nghĩa gì? Thời gian diễn ra khi nào, ở đâu? Ai là người tham gia? Cách thức tiến hành có gì đặc biệt? Điều gì bắt buộc phải tuân thủ? Điều gì được tự do thực hiện?...

Nhan đề bao giờ cũng được người đọc tiếp nhận đầu tiên khi đọc văn bản. Tuy vậy, về phía người viết thì nhan đề có thể được đặt trước hoặc sau khi viết xong văn bản. Dù thế nào đi nữa thì người viết bao giờ cũng phải định hướng rõ nội dung viết và luôn hình dung những thắc mắc có thể nảy sinh từ phía người đọc để chọn cách triển khai văn bản phù hợp. Càng dự đoán được nhiều câu hỏi loại này, tác giả càng làm cho văn bản có được sức thuyết phục cao (ở đây, điều đó có nghĩa là cung cấp được thông tin về sự việc một cách đầy đủ, tường tận). Đọc văn bản, có thể thấy tác giả ý thức rất rõ về điều này khi lần lượt giải đáp các câu hỏi đã nêu trên khá thấu đáo, sau khi không quên giới thiệu một cách khái quát về dân tộc Lô Lô.

3. Theo tác giả cho biết, lễ tục rửa làng được tổ chức định kì ba năm một lần, là một trong những sinh hoạt góp phần làm nên bề dày văn hoá của cộng đồng người Lô Lô. Việc duy trì bền vững lễ tục này cho thấy người Lô Lô sống gắn bó với thiên nhiên, tôn thờ ân huệ của thiên nhiên (có thể xem mùa ngô mới là một ví dụ cụ thể), tin vào sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên và chọn được cách ứng xử phù hợp với nó. Qua lễ tục được thuật lại trong văn bản, người đọc trân trọng niềm tin tưởng trong sáng của đồng bào Lô Lô vào sự tốt đẹp của cuộc sống, vào tác dụng của hành động thanh tẩy thường xuyên để không gian sinh tồn của mình hết bụi bặm, không còn tà ma quấy phá.

4. Điểm bất biến trong lễ rửa làng được thực hiện theo chu kì của đồng bào Lô Lô có thể là: thời điểm thực hiện (mùa ngô mới), thành phần tham gia (tất cả dân làng với vai trò quan trọng của thầy cúng), các đồ lễ cần chuẩn bị (lễ vật khấn xin tổ tiên, đồ mang theo lúc diễu hành), các bước tiến hành cùng những việc làm cụ thể trong từng bước. Đặc biệt phải nói đến quy định nghiêm ngặt sau khi lễ cúng được thực hiện (người lạ không được vào làng trong 9 ngày tiếp đó). Có thể nêu các phỏng đoán trên căn cứ vào mối liên hệ chặt chẽ giữa các sự việc và ý nghĩa biểu trưng của từng đồ lễ phải chuẩn bị.

Từ một lễ rửa làng cụ thể được thuật lại trong văn bản, người đọc có thể nghĩ rộng ra về điều đã khiến cho một lễ tục giữ được nét bất biến của mình qua năm tháng. Đó là hệ thống những quy định chặt chẽ được xây dựng trên cơ sở các quan niệm nhân sinh, quan niệm về tự nhiên, vũ trụ của một cộng đồng người.

 5. Khi giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, ngoài yêu cầu về sự rõ ràng, muốn văn bản thực sự sinh động, hấp dẫn, người viết cần chú ý nêu những chi tiết miêu tả cụ thể về người chơi hay hoạt động, về quang cảnh, không khí bao trùm (đường nét, âm thanh, màu sắc,...), đặc biệt là đưa ra những lời giải thích ngắn gọn về từng động tác, hoạt động mà người tham gia không thể không thực hiện,... Xét về phương diện này, văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô rất thành công. Người đọc không chỉ biết, hiểu về các quy tắc, luật lệ mà còn như thấy, nghe được những gì đã diễn ra trong lễ tục (qua sự tái hiện của tác giả).