Đọc đề bài và thực hiện yêu cầu.
a) Dàn bài :
Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm Chiếc lược ngà và tác giả Nguyễn Quang Sáng
- Nêu đánh giá khái quát về đoạn trích Chiếc lược ngà: Truyện đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
Thân bài:
Luận điểm 1: Diễn biến tâm lí và tình cảm mãnh liệt mà bé Thu dành cho cha của mình.
- Trước khi bé Thu nhận ra ông Sáu là cha của mình:
- Hoàn cảnh của nhân vật
- Phản ứng và biểu hiện của em trong giây phút gặp lại cha sau 8 năm xa cách.
- Trong những ngày ông Sáu nghỉ phép ở thăm nhà:
- Trong khi ông Sáu tìm mọi cách vỗ về thì bé Thu vẫn cứ xa lánh và nhất quyết không chịu gọi một tiếng “ba”:
- Khi má dọa đánh hay khi nhờ chắt nước cơm, bé Thu đều gọi ông Sáu một cách trống không.
- Bác Ba làm mẫu nhưng con bé vẫn nhất quyết không gọi mà chỉ nói “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ”/ Bị dồn vào thế bí, nó nhăn nhó muốn khóc nhưng vẫn tự lấy vá chắt nước chứ nhất định không chịu gọi một tiếng “ba”.
- Trong bữa cơm, bé Thu đã hất tung cái trứng cá ông Sáu gắp cho. Dù bị đòn nhưng nó không khóc mà bỏ sang nhà ngoại.
=> Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, cứng đầu và gan lì. Nhưng những phản ứng của bé Thu là hoàn toàn hợp lí vì lúc này bé chưa nhận ra ông Sáu là cha của mình. Phản ứng của bé Thu là phản ứng tâm lí hoàn toàn tự nhiên của một đứa trẻ có cá tính. Chính thái độ ương ngạnh đến cứng đầu ấy lại là những biểu hiện tuyệt vời của tình cha con sâu nặng.
- Khi bé Thu nhận ra cha của mình:
- Trước lúc ông Sáu lên đường, thái độ của bé Thu đã hoàn toàn thay đổi: (dẫn chứng) -> lí giải sự thay đổi đó -> Tình cảm cha con thời khắc ngắn ngủi đã đem lại cho người đọc nỗi xúc động nghẹn ngào nhất.
=> Tình cảm của bé Thu đối với ông Sáu là một tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng hết sức dứt khoát, rạch ròi. Sự cứng đầu, tưởng như ương ngạnh ở Thu là biểu hiện của một cá tính mạnh mẽ. Tuy nhiên, cách thể hiện tình cảm của em vẫn rất hồn nhiên, ngây thơ.
=> Qua những diễn biến tâm lí của Thu, ta thấy tác giả đã tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.
Luận điểm 2: Tình yêu con sâu sắc của ông Sáu dành cho bé Thu
- Lúc còn ở rừng: Ông Sáu nhớ thương con vô cùng. Ông luôn khao khát được gặp con và thường mang ảnh con ra ngắm mỗi khi rảnh rỗi.
- Lúc gặp con ở bến sông: Ông tha thiết muốn gặp con và ôm con vào lòng (dẫn chứng). Phản ứng trái ngược của bé Thu khiến ông Sáu đau khổ đến tột cùng (dẫn chứng).
- Trong ba ngày ông Sáu nghỉ phép ở nhà: ông Sáu chẳng đi đâu xa, ông gần gũi và tìm mọi cách để bé Thu gọi ông một tiếng “ba” (dẫn chứng).
- Lại những ngày ông Sáu xa con:
- Ông hối hận vô cùng vì đã trót đánh con. Nỗi khổ tâm đó dày vò tâm trí ông.
- Ông Sáu dồn tình yêu và lòng thương nhớ con vào việc làm cho con một chiếc lược ngà: (dẫn chứng).
- Trước lúc hi sinh, chỉ khi nghe được lời hứa sẽ mang cây lược về trao tận tay cho con từ người đồng đội thì người cha ấy mới có thể nhắm mắt xuôi tay.
=> Chiếc lược đã trở thành một kỉ vật của tình cha con sâu nặng. Cử chỉ của ông Sáu trước lúc hy sinh đã cho thấy tình cha con mãnh liệt và tha thiết của ông.
Luận điểm 3: Nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm:
- Cốt chuyện chặt chẽ và cuốn hút, có những yếu tố bất ngờ và hợp lí. Tình huống truyện đặc sắc, làm nổi bật nội dung của tác phẩm.
- Cách kể thoải mái, tự nhiên, giọng điệu thân mật, gần gũi.
- Lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, đặt vào nhân vật bác Ba, người bạn chiến đấu của ông Sáu và cũng là người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện. Với ngôi kể này, người kể chuyện xen vào những lời bình luận, suy nghĩ, bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với nhân vật, và câu chuyện vẫn mang tính khách quan.
- Thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt là cách miêu tả tâm lí trẻ em rất tinh tế.
Kết bài:
- Nêu lại đánh giá chung về tác phẩm
- Khẳng định giá trị và sức ảnh hưởng của tác phẩm đối với cuộc sống.
b) Viết phần Mở bài cho bài văn:
Chiến tranh đã đem đến bao đau thương, mất mát cho bao con người, bao gia đình trên đất nước Việt Nam. Nhưng dường như càng trong cái cảnh ngộ éo le, đau thương ấy thì tình cảm gia đình, tình cha con lại càng trở nên sáng đẹp và sâu sắc. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm tiêu biểu thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Câu chuyện của cha con ông Sáu còn giúp cho người đọc thấm thía được những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh đã gây ra cho con người.