Đề 2: Truyện ngắn Làng của Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp - bài viết văn số 6 - nghị luận văn học lớp 9.

Bài làm tham khảo

Đề tài người nông dân trong kháng chiến là một trong những nguồn cảm hứng bất tận của thơ văn. Có rất nhiều tác giả thành công ở đề tài này tuy nhiên viết hay viết sát nhất chỉ có thể là Kim Lân. Ông được mệnh danh là nhà văn của những người nông dân. Tác phẩm Làng của ông, với nhân vật chính là ông Hai để cho người đọc nhiều suy ngẫm sâu sắc. Những chuyển biến trong tâm lí nhân vật ông Hai cũng chính là đại diện cho tầng lớp nông dân Việt Nam thời kháng chiến.

Truyện ngắn Làng được nhà văn sáng tác vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại. Câu chuyện xoay quanh nhân vật ông Hai cùng với những diễn biến tâm lí của nhân vật thể hiện tình yêu đất nước sâu sắc.

Có thể nói nhà văn Kim Lân đã vô cùng thành công khi khắc họa thành công diễn biến tâm lí của nhân vật gắn liền với cốt truyện mang đến cho người đọc cái nhìn đa chiều nhất về chuyển biến tâm lí của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp. Tình yêu đất nước yêu quê hương chung thành với cách mạng với Cụ Hồ đằm thắm và mộc mạc như những gì họ thể hiện vậy.

Ông Hai là một người có tình yêu làng, yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình vô cùng sâu sắc. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Chợ Dầu. Một ngôi làng từ chưa kháng chiến ông tự hào vì có cái dinh tổng đốc lớn nhất nhì nhưng sau khi cách mạng bùng nổ ông lại chuyển sang ca ngợi làng với toàn những đá xanh, cái chòi thông tin cao đến ngọn tre chiều chiều loa gọi cả làng ra nghe. Thế rồi khi có lệnh tản cư ông vì bất đắc dĩ lại phải xa làng. Thế nhưng tình yêu đó không bao giờ mất đi đến nơi tản cư thỉnh thoảng ngồi buồn ông lại nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhớ về những người anh em đồng chí của mình.

Cái tin làng chợ Dầu đến như một cú sốc lớn trong cuộc đời của ông Hai. Nghe tin dữ ông bần thần cả người. Ông còn cố hỏi lại cho chắc hay nó chỉ là tin đồn thất thiệt. Chỉ khi nghe được câu “Chúng nó đi theo giặc hết rồi, từ thằng chủ tịch trở xuống”. Ông mới thôi hi vọng, lết từng bước nặng nhọc về đến nhà. Ông nằm vật ra đường, đau quá, nỗi đau nỗi tủi hổ như dày xéo tâm hồn ông. Ông gắt gỏng với cả người vợ của mình, mấy đứa con vì thế cũng chả dám cười đùa nữa.

Suốt mấy ngày ông chẳng dám bước chân ra cổng vì sợ. Sợ ánh mắt dị nghị, sợ chỉ chỏ của những kẻ lắm lời. Sự khinh rẻ của mụ chủ nhà có ý định đuổi cả nhà đi càng khiến tâm trạng ông Hai trở nên suy sụp. Lúc này ông chỉ biết tìm đến tâm sự với các con, như một sự an ủi cuối cùng của cuộc đời mình. Ông hỏi chúng “có yêu nước không?”, “theo ai”... Tiếng con trẻ hùng dũng hô vang “theo cụ Hồ Chí Minh muôn năm ạ”. Ông cười một cách đầy chua xót. Những đứa trẻ tội nghiệp mang tiếng con làng Việt gian của ông đây rồi, đến chúng còn biết đến theo Cụ Hồ cơ mà vậy thì nỡ cơ sự nào lại thế được.

Ngay lúc này tâm trí của ông Hai bị dày vò một cách khốn khổ, mâu thuẫn tâm lí đến mức đỉnh điểm đầy ông vào một sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Vốn trong cái tâm trí thâm căn cố đế chỉ có quê hương bởi lẽ với những người nông dân ngày xưa thì “ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” vậy mà ông đã phải đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn “làng thì yêu thật nhưng làng theo giặc rồi thì phải thù”.

Đến đây ông chỉ biết ôm lũ con vào lòng mà khóc, bởi ông biết rằng đó là một nỗi nhục vô cùng lớn trong cuộc đời ông. Chỉ đến khi nghe tin làng Chợ Dầu được cải chính từ ông chủ tịch xã niềm vui mới trở về trên môi ông. Ông lật đật mua kẹo về chia cho con, rồi lại lật đật chạy sang nhà bác Thứ hàng xóm để khoe cái tin làng Chợ Dầu không theo giặc, cả làng bị đốt sạch rồi. Với người ông dân con trâu, mảnh đất là sự nghiệp của cả đời họ thế nhưng lúc này nó chẳng là gì so với tình yêu nước. Niềm tin ý chí mãnh liệt đó đã trở thành một truyền thống quý báu của toàn dân tộc ta.

Với kết cấu chuyện đơn giản xoay quanh diễn biến tâm lí nhân vật ông Hai nhà văn Kim Lân đã khắc họa thành công bức tranh làng quê trong kháng chiến chống Pháp vĩ đại. Nó thể hiện niềm tin ý chí bất diệt vào Đảng vào Bác Hồ. Trở thành một trong những điểm sáng của cả dân tộc. Ông Hai đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến của độc giả về tinh thần yêu nước sâu sắc, về diễn biến tâm lí vô cùng chân thực và thật của mình.

Truyện ngắn Làng của Kim Lân là một trong những tác phẩm vô cùng xuất sắc về đề tài người nông dân trước cách mạng. Nó chính là bức tranh sống động về tinh thần quả cảm, về ý chí mãnh liệt vào cách mạng thời bấy giờ.