Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng)..

Bài làm

Tình mẫu tử có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng và dung dị nhất. Đó là hình ảnh của người mẹ tảo tần, lưng còng gánh gạo đã in đậm trong tâm trí của mỗi người con. Và một lần nữa ta như sống lại trong những thứ tình cảm chân thành ấy quan đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng. Đoạn trích đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của độc giả. Tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng đã được thắp sáng dù trải qua biết bao nhiêu thử thách, bao nhiêu đau khổ và chia lìa. Từ đó ta mới thấm thía giữa những lề thói cổ hủ của cuộc sống, trước những định kiến gay gắt của cuộc đời chỉ có tình yêu giữa mẹ và con mới đủ sức tỏa sáng và bất diệt.

Chú bé Hồng là nhân vật chính trong câu chuyện trên. Lớn lên trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát. Người cha u uất suốt ngày trầm lặng để rồi chết trong sự nghèo túng nghiện ngập. Để lại một người vợ trẻ khát khao yêu thương bị cùm kẹp trong cuộc hôn nhân không tình yêu và đứa con thơ bé. Chính vì thế sau khi người chồng qua đời người phụ nữ đáng thương ấy đã cùng quẫn mà bỏ con đi tha hương cầu thực và bị gán cho cái mác “chưa đoạn tang chồng mà chửa đẻ với người khác”. Đứa trẻ tội nghiệp ấy sống nương nhờ nhà anh em họ hàng giàu có mà cay nghiệt. Để từ đây cuộc đời em cũng chìm trong sự khinh bỉ, cô đơn và bị ghẻ lạnh.

Thế nhưng tưởng tâm trí đứa trẻ ấy sẽ trở nên u uất và hận mẹ bởi hàng ngày nó được bà cô reo rắc những điều không mấy tốt đẹp về mẹ thì nó lại yêu thương mẹ vô cùng. Đó là thái độ cam chịu đến đau lòng khi phải nghe những lời bêu rếu xấu xa về mẹ. Là cuộc hội thoại đầy kịch tính đẩy tâm trạng đứa bé tội nghiệp đến cao trào khi nghe cô hỏi :

-         Hồng mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?

Câu hỏi không xuất phát từ thiện chí thậm chí còn có ý đồ cây nghiệt độc đoán như xoáy sâu vào tâm hồn của đứa trẻ tội nghiệp. Đến đây nó như tưởng tượng ra cái dáng vẻ tội nghiệp của người mẹ mình hằng yêu thương. Thật ra trong tâm trí nó khao khát lắm chứ muốn vào với mẹ lắm chứ nhưng cũng chính tâm hồn nhạy cảm đó khiến nó nhận ra hóa ra bà cô đó cũng chỉ đang tìm cách để xoáy sâu nỗi đau chia lìa mẹ con của nó.

Hồng không đáp mà chỉ cúi đầu rồi nở nụ cười đây chua xót. Hơn ai hết đứa trẻ ấy hiểu được mẹ người đã mang nặng đẻ đau ra mình. Thương mẹ vì phải đối xử bất công, bị hạ nhục. Khóc vì bản thân mình vẫn còn quá nhỏ bé không thể bảo vệ được mẹ. Càng nghĩ Hồng càng căm ghét những hủ tục những định kiến đã đẩy mẹ em vào bước đường cùng. Đứa trẻ tội nghiệp ấy đã từng nghĩ “Giá như những cổ tục đã đầy đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi". Tình yêu thương mẹ sâu sắc mẫu tử thiêng liêng đã giúp cho đứa trẻ nhận ra đâu là người tốt đâu là kẻ xấu và đâu là hủ tục đáng phải lên án.

Tình mẫu tử thiêng liêng đó còn được gợi lại qua cuộc gặp gỡ vô cùng sinh động với mẹ. Thoáng thấy bóng người trên xe giống mẹ Hồng chạy theo và bối rối gọi : “mợ ơi! Mợ ơi! Mợ… ơi”.

Đó chính là những âm thanh của khát vọng dồn nén của thứ khát khao mãnh liệt. Trái tim nhỏ bé không ngừng thổn thức để rồi nó bật thành tiếng gọi thân thương. Khi đã đuổi kịp chiếc xe đó Hồng được sà vào vòng tay ấm áp của người mẹ. Em đã òa khóc nức nở. Tiếng khóc ấy chính là niềm vui, là những tủi thân và nõi niềm cay đắng khi bị cô lập, xa lánh.

Chỉ có ở trong vòng tay của người mẹ em mới trở về đúng với lứa tuổi hồn nhiên nhất của mình. Sẽ cười khi vui vẻ và khóc khi mình yếu đuối, em đã bỏ lại sau lưng những tháng ngày phải oằn mình chống lại những định kiến của người đời, những ánh mắt cố kị đầy độc đoán của anh em họ hàng. Hồng như sống lại trong tình mẫu tử thiêng liêng ấy. Khao khát của em cũng chính là mong muốn của rất nhiều những đứa trẻ ngoài kia.

Từ lúc lên xe được ngôi trong lòng mẹ em như quên hết đi những phiền muộn. Niềm hạnh phúc đến quá đột ngột khiến cho em không còn nhớ đến những đau thương những định kiến xã hội nữa. Sự xúc động của bé Hồng khi gặp lại mẹ càng chứng minh được tình yêu thương mãnh liệt mà em dành cho mẹ mình. Nó chiến thắng tất cả những lề lói phong kiến những ánh mắt khinh thường của người đời.

 

Đoạn trích Trong lfng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng thực sự đã khiến độc giả như lắng lại trong cảm xúc thiêng liêng về tình mẫu tử. Giữa muôn vàn những khổ đau, những nghi kị tình mẫu tử chính là thứ tình cảm dung dị và chân thành nhất, quý giá nhất của cuộc đời.