Đáp án câu 3 Đề thi thử lên lớp 10 môn Ngữ Văn lần 5 năm 2017 tỉnh Nghệ An.

Câu 3 (6,0 điểm)

a. Mở bài:

Dẫn dắt, giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận hay/tạo ấn tượng.

b. Thân bài 

* Giải thích ngắn gọn nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

* Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc của đoạn thơ là mượn cảnh sắc thiên nhiên để gửi gắm tâm trạng của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh tâm  trạng:
- Thiên nhiên mang những sắc thái khác nhau: khi mênh mông rợn ngợp, khi héo úa, mờ mịt, lúc lại mạnh mẽ, dữ dội.

- Tâm trạng của Thúy Kiều:

  • Trước không gian mênh mông rợn ngợp, Kiều cảm thấy mình nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng.
  • Trước cảnh sắc héo úa, mờ mịt, Kiều lo lắng tuyệt vọng nghĩ về tương lai.
  • Khi thiên nhiên mạnh mẽ, dữ dội, Kiều lo lắng sợ hãi nghĩ về thân phận mình.

- Cảnh được nhìn qua tâm trạng Thúy Kiều. Mỗi biểu hiện của cảnh phù hợp với từng trạng thái của tình. Cảnh vừa như ẩn chứa nỗi niềm tâm tư, cảm xúc của con người vừa khơi gợi nỗi buồn trong lòng người. Nỗi buồn trong lòng người thấm vào cảnh vật. Nội tâm và ngoại cảnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau theo quan niệm:  Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cảnh và tình hòa quyện với nhau tinh tế và tự nhiên.

* Đặc sắc về hình ảnh, từ ngữ:

- Những hình ảnh ẩn dụ gợi liên tưởng tới cuộc đời và thân phận con người.

- Điệp ngữ Buồn trông, các từ láy, vần bằng dàn trải thể hiện sâu sắc nỗi buồn sầu lo lắng, triền miên của Thúy Kiều, tạo âm hưởng trầm buồn cho cả đoạn thơ.

Đoạn thơ thể hiện một cách cảm động cảnh ngộ và thân phận đau thương của nàng Kiều, diễn tả thành công tâm trạng của Kiều đồng thời cho thấy sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc của Nguyễn Du với nỗi đau và thân phận con người. Đây là một trong những đoạn thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút nhất của Truyện Kiều.

c. Kết bài 

- Khái quát những nét đặc sắc về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của đoạn thơ

- Nhận xét đánh giá về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa và nay.