Cảnh vật, không khí mùa xuân trong sáu câu thơ cuối có gì khác với bốn câu thơ đầu? Vì sao?.
- Cảnh vật, không khí lúc du xuân trở về có sự khác biệt lớn so với buổi sáng. Từ không khí nhộn nhịp nô nức của buổi sáng thì buổi chiều, mọi thứ thật nhẹ nhàng, chậm rãi: Mặt trời từ từ ngả về tây, cảnh chiều xuân đẹp một cách nhẹ nhàng, mọi vật đều thanh nhẹ, nắng chiều đã nhạt, người bước đi thơ thẩn khẽ khàng, cây cầu nhỏ bắc ngang khe nước… Cảnh vẫn đẹp, vẫn thanh nhưng đã nhuốm màu tâm trạng. Đó là tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến mà người ta vẫn thường có sau một cuộc vui.
- Những từ láy “ tà tà”, “thanh thanh”, “ nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái của cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Những từ ấy, đặc biệt là từ “ nao nao” thoáng gợi lên một nét buồn khó hiểu, nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật.
- Sáu câu thơ cuối gợi nhiều hơn tả. Trong không gian êm đềm, tĩnh lặng không còn nhộn nhịp, ríu rít tiếng nói, tiếng cười ấy là tâm trạng bâng khuâng, như có gì tiếc nuôi của chị em Thuý Kiều. Lòng người như hoà vào cảnh vật, lắng lại trong cảnh vật. Ngay sau đó, Kiều gặp mộ Đạm Tiên, rồi gặp chàng Kim Trọng “ Phong tư tài mạo tót vời – Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, những sự kiện làm xáo trộn cuộc sống êm đềm, bình lặng của Kiều. Đoạn thơ tả cảnh mà dường như đang chứa đựng linh cảm về điều gì đó sắp xảy ra.