Hướng dẫn học bài: Lời nói thật trang 49 sgk Đạo đức 1. Đây là sách giáo khoa nằm trong bộ sách "Cánh Diều" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết các bé sẽ nắm bài học tốt hơn.
1. Khởi động
Cùng bạn chơi trò Đoán xem ai nói thật?
Hướng dẫn:
Em cùng các bạn trong lớp chơi trò chơi và đoán xem ai là người nói thật.
2. Khám phá
a. Kể chuyện theo tranh
Hướng dẫn:
Quan sát các bức tranh và kể lại câu chuyện theo nội dung từng bức tranh:
- Tranh 1: Ngày xưa, có một cậu bé chăn cừu nọ. Cậu thường chăn cừu ở nơi đồng cỏ xa xôi. Người làng thường dặn cậu bé: “Khi nào có chó sói xuất hiện, cháu hãy nhớ hét to kêu cứu!”.
- Tranh 2: Một ngày nọ, cậu bỗng muốn trêu đùa mọi người cho vui. Cậu thầm nghĩ: “Mình sẽ giả vờ có chó sói, hét to kêu cứu, xem mọi người thế nào”. Nghĩ xong, cậu chụm hai tay ở miệng, kêu lên thật to: “Sói! Có sói! Cứu cháu với!”.
- Tranh 3: Nghe thấy vậy, người dân làng bèn bỏ hết công việc đang làm dở dang, vác gậy, vác cuốc xẻng đến cứu cậu bé thoát khỏi chó sói.
- Tranh 4: Chạy đến nơi, họ chẳng nhìn thấy chó sói đâu, chỉ nhìn thấy cậu bé đang ôm bụng cười như nắc nẻ. Khi ấy, họ biết là đã bị cậu bé lừa. Họ nhìn cậu bé đầy vẻ tức giận.
- Tranh 5: Một hôm, chó sói xuất hiện thật. Đó là một con chó sói trông vô cùng dữ tợn. Vừa nhìn thấy chó sói, cậu bé đã run bắn lên, vội vàng hét lớn: “Chó sói! Cứu cháu với!”.
- Tranh 6: Nguời làng ở gần đó nghe thấy tiếng kêu cứu của cậu bé, nhưng họ nghĩ cậu lại nghịch ngợm, tìm cách lừa họ như lần trước, nên họ coi như không nghe thấy gì cả, tiếp tục làm các công việc của mình, mặc kệ cậu bé. Khi ấy con chó sói không thấy ai đe doạ mình cả, bèn lao vào ăn thịt đàn cừu của cậu bé.
b. Trả lời câu hỏi
- Vì sao khi chó sói xuất hiện, dân làng lại không đến giúp cậu bé?
- Nói dối có tác hại gì? Nêu ví dụ.
- Nói thật mang lại điều gì?
Hướng dẫn:
- Khi chó sói xuất hiện, dân làng lại không đến giúp cậu bé vì họ không còn tin những gì cậu bé nói là thật nữa. Điều này là do trước đây cậu bé đã từng nói dối, trêu đùa họ.
- Nói dối có rất nhiều tác hại. Tác hại lớn nhất là làm mất niềm tin ở người khác, sẽ không nhận được sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết.
- Nói thật giúp cho em có thể tạo được niềm tin, sự tôn trọng từ người khác và luôn nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.
c. Xem tranh và cho biết:
- Bạn nào nói thật?
- Bạn nào nói dối?
Hướng dẫn:
Quan sát các bức tranh và cho biết bạn nói dối và bạn nói thật:
- Tranh 1: Bạn nam làm vỡ lọ hoa. Khi cô giáo hỏi ai làm vỡ lọ hoa, bạn nam nói: “Em xin lỗi cô vì đã làm vỡ lọ hoa ạ!”.
=> Việc bạn nam nhận lỗii làm vỡ lọ hoa cho thấy bạn nam là người nói thật. Cô giáo sẽ rất hài lòng với cách làm của bạn nam và sẽ tha thứ cho bạn nam.
- Tranh 2: Bạn nam đi học muộn. Khi gặp bạn sao đỏ, bạn nam đã nói lí do đi học muộn với bạn là do “Tớ ngủ quên”.
=> Việc bạn nam đi học muộn là chưa thực hiện đúng Nội quy trường, lớp. Tuy nhiên, bạn nam đã nói thật lí do đi học muộn.
- Tranh 3: Bạn nữ mải xem ti vi nên chưa sắp xếp sách vở. Khi mẹ hỏi vì sao chưa sắp xếp sách vở, bạn nữ nói: “Con mệt quá!”
=> Bạn nữ đã nói dối khi mẹ hỏi vì sao chưa sắp xếp sách vở. Sự thật là do bạn mải xem ti vi chứ không phải do mệt.
3. Luyện tập
a. Em đồng tình với ý kiến nào dưới đây?
- Người nói thật là người đáng tin cậy.
- Nên nói dối để tránh bị phạt.
- Không nên nói dối, đổ lỗi cho người khác.
Hướng dẫn:
- Với ý kiến 1 “Người nói thật là người đáng tin cậy”: Đồng tình, vì người nói thật sẽ không trêu đùa, làm hại người khác bởi những lời nói không đúng.
- Với ý kiến 2 “Nên nói dối để tránh bị phạt”: Không đồng tình, vì nói dối có thể sẽ tránh bị phạt nhưng khi đã bị phát hiện thì người nói dổi sẽ bị mất niềm tin ở người khác, khiến người khác ngần ngại giúp đỡ, sẻ chia.
- Với ý kiến 3 “Không nên nói dối, đổ lỗi cho người khác”: Đồng tình, vì nói dối đổ lỗi cho người khác là việc làm không tốt, thể hiện sự thiếu dũng cảm, hay hèn nhát.
b. Đóng vai
- Tình huống 1: Chi sơ ý làm rách vở của bạn. Nếu là Chi, em sẽ ứng xử như thế nào?
- Tình huống 2: Mai quên lời mẹ dặn mang đồ sang cho bà. Nếu là Mai, em sẽ nói gì?
Hướng dẫn:
Đóng vai các bạn trong mỗi tranh và xử lý các tình huống:
- Tình huống 1: Chi nên nói thật với bạn về lỗi của mình, xin lỗi và đề nghị cách sửa lỗi.
Ví dụ: dán lại vở cho bạn, hoặc nhờ mẹ mua vở mới cho bạn.
- Tình huống 2: Mai nên nói thật với mẹ, xin lỗi mẹ với thái độ chân thành và đề nghị cách sửa lỗi.
Ví dụ: Con xin lỗi mẹ ạ! Con sơ ý đã làm quên lời mẹ dặn. Bây giờ con mang đồ sang cho bà ngay nhé.
c. Tự liên hệ
Em đã bao giờ dũng cảm nói thật khi mắc lỗi chưa? Hãy chia sẻ với bạn, nếu có.
Hướng dẫn:
Em liên hệ với bản thân chia sẻ các bạn trong lớp về câu chuyện em đã dũng cảm nói thật khi mắc lỗi.
- Câu chuyện đó xảy ra như thế nào?
- Khi đó em cảm thấy như thế nào?
- Sau khi nói thật, người đó có thái độ như thế nào?
4. Vận dụng
Hướng dẫn:
Em hãy:
- Chia sẻ với bạn một câu chuyện về dũng cảm nói thật mà em biết (Qua ti vi, qua bố mẹ, qua người thân...).
- Dũng cảm nói thật khi em mắc lỗi.
- Đồng tình, ủng hộ khi bạn nói thật.
- Nhắc nhở khi thấy bạn nói dối.
Lời khuyên:
Em luôn ăn nói thật thà
Mọi người quý mến, cả nhà tin yêu.